Tiếng Việt | English

21/07/2016 - 15:11

Người dân rất chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, tính đến ngày 14-7-2016, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận 27.916 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó, 11 người tử vong, số người mắc tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Địa phương có số ca mắc cao nhất lần lượt là: TP.HCM (9.004 ca mắc, 1 ca tử vong), Đồng Tháp (2.204 ca mắc), Đồng Nai (2.083 ca mắc, 3 ca tử vong). Cục Y tế dự phòng dự báo dịch còn gia tăng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến 17-7-2016, Long An ghi nhận 1.268 ca mắc SXH (tăng 62% so với cùng kỳ năm 2015), không có ca tử vong (giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2015). Các địa phương trong tỉnh có số mắc cao nhất lần lượt là: Đức Hòa (337 ca), Cần Đước (173 ca), Cần Giuộc (147 ca). Huyện có số ca mắc thấp nhất là Mộc Hóa (không ghi nhận ca mắc) và thị xã Kiến Tường (6 ca).

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - PGS.TS. Trần Đức Phu, SXH có ở Việt Nam từ năm 1958, từ thành thị đến nông thôn, mỗi năm có từ 50.000-100.000 trường hợp mắc.

Trên lý thuyết, một người có thể mắc SXH 4 lần trong đời. Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày, phần lớn tự khỏi, tỷ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3-5%. Người mắc bệnh nhất thiết phải đi khám, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như: Sốt cao đột ngột (39-400C), khó hạ sốt, đau đầu dữ dội, đau bụng, bứt rứt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh, vết bầm tím chỗ tiêm,... cần đưa ngay đến bệnh viện. Người dân cần đến bệnh viện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ, không nên chủ quan, đặc biệt là những trường hợp đã mắc bệnh vẫn có thể tái mắc.

Bệnh SXH thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm (thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt) và giai đoạn hồi phục (thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 48-72 giờ sau đó).

Trước kia, SXH chỉ xảy ra ở trẻ em, gần đây, bệnh xuất hiện ở cả người lớn, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Thai phụ mắc bệnh SXH với hàng loạt ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, nhất là trong giai đoạn gần sinh nở.

Diệt lăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết