Tiếng Việt | English

11/01/2019 - 14:58

Công nhân chờ thưởng tết

Dịp cuối năm, anh chị em công nhân trông chờ tiền thưởng để mua sắm và lo chi phí về quê nhưng đến thời điểm này việc thưởng tết cho công nhân ở các doanh nghiệp vẫn còn “im hơi lặng tiếng”, chính vì thế, công nhân rất tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu với mong mỏi dành dụm một ít tiền lo cho gia đình. Dạo quanh một số khu chợ chủ yếu dành cho công nhân những ngày đầu tháng 12 âm lịch mới thấy hết cảnh đìu hiu, vắng vẻ dù tết đang đến rất gần.

Chợ tết công nhân - xem nhiều hơn mua

Có mặt tại chợ dành cho công nhân, lao động (CNLĐ) phía trước Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vào một buổi chiều, chúng tôi thấy rất nhiều nữ công nhân tập trung ở các điểm bán quần áo may sẵn dành cho trẻ em và người lớn, nhưng họ chỉ xem là chủ yếu, rất ít người mua. Chị Nguyễn Thị Xuân - công nhân Công ty (Cty) TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, tâm sự: "Đến giờ này, tụi em chưa nghe gì về việc Cty thưởng tết ra sao, còn tiền lương thì làm tháng nào tiêu hết tháng đó nên chuyện mua sắm tết tụi em chưa tính đến dù những món hàng này đã được hạ đến giá rất thấp".

Dù cận tết nhưng công nhân, lao động chủ yếu xem quần áo, giày dép nhiều hơn mua

Khu chợ dành cho CNLĐ phía trước KCN Thuận Đạo hàng ngày nhộn nhịp người mua kẻ bán. Tuy nhiên, chỉ có thực phẩm là mặt hàng tương đối bán được cho CNLĐ, còn quần áo, giày dép, túi xách,... thì ế ẩm. Chị Nguyễn Lê Hoàng Anh, chuyên bán giày dép, túi xách, than thở: "Những năm trước, vào thời điểm này, tôi phải huy động chồng, con ra bán phụ, ba, bốn người bán hàng không kịp, trung bình mỗi ngày bán được 4-5 triệu đồng, có khi cao điểm gần tết bán được gần cả chục triệu đồng. Năm nay, mỗi ngày bán chưa đến 1 triệu đồng, mình tôi vừa bán, vừa ngủ. Chưa năm nào ế như năm nay, hầu hết CNLĐ chỉ đến xem hàng là chủ yếu".

Không chỉ sạp giày dép của chị Hoàng Anh ế ẩm mà hầu hết các sạp khác ở khu chợ này cũng chịu cảnh tương tự. Nhiều sạp bày hàng suốt cả tối chẳng có ai ghé mua. Chị Lê Thị Tuyết, chuyên bán kẹp tóc, vớ, bao tay, khẩu trang, cho biết: "Hầu hết hàng hóa ở đây đều ghi hạ giá hoặc đại hạ giá, nhưng CNLĐ chủ yếu chỉ xem thử rồi bỏ đi chứ ít có người mua. Có khi buổi chiều dọn hàng ra, tối lại dọn vào".

Chờ thưởng tết

Tại Chợ đêm Tân An, chị N.T.T.L, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An, sau khi chọn được 2 cái áo thun nam và 1 cái áo đầm cho bé gái tầm 7, 8 tuổi tại quầy bán quần áo may sẵn P.N thì chị chị dè dặt trả lại 2 cái áo thun nam và chỉ quyết định mua cái áo đầm cho bé gái. Chị ngại ngần chia sẻ: "Em định mua gửi về quê cho ông xã và đứa con gái, nhưng thôi, để xem tiền thưởng tết của Cty thế nào rồi mua luôn. Giờ ưu tiên mua cho con gái trước, còn vợ chồng tụi em tính sau, vì tết còn bao nhiêu thứ phải mua sắm lắm!".

Chị Nguyễn Thị Minh Hương, công nhân Cty TNHH Dệt Kim Đông Phương (KCN Xuyên Á, huyện Đức Hòa), chia sẻ: "Năm nay, việc ít, thu nhập thấp hơn nhiều so với năm trước nên vợ chồng tôi không có điều kiện về quê đón tết. Đến thời điểm này mà chúng tôi vẫn chưa nghe Cty nói gì về chuyện thưởng tết. Tình hình này thì làm sao tính đến chuyện mua sắm. Chỉ tội hai đứa nhỏ, nôn nao chờ tết, trông mua quần áo mới cho chúng".

Phía trước cổng Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) vào mỗi buổi chiều cũng mọc lên khu chợ với đủ các loại hàng hóa từ thực phẩm, quần áo, giày dép,... dành cho CNLĐ. Cũng như nhiều nơi khác, khu chợ tự phát này cũng đìu hiu vào giờ tan ca. Chị Lê Thị Mộng Cầm - công nhân Cty Cổ phần Đ.L, đang chọn mua mớ rau, vài con cá biển, cho biết: "Quê em ở Quảng Ngãi, hai vợ chồng vào đây làm việc, còn con gửi cho ông bà ngoại ở quê chăm sóc. Giờ còn chưa nghe Cty nói gì về chuyện thưởng tết nên không biết năm nay vợ chồng em có tiền về quê thăm con không, nói gì đến chuyện mua sắm quà tết".

Với đồng lương hàng tháng, CNLĐ lo trang trải cuộc sống, mỗi khi tết đến, xuân về thì “mùa thưởng tết” lại được trông mong để có mùa xuân thêm ấm áp, no đầy./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích