Tiếng Việt | English

09/08/2017 - 15:20

Công nhân lại lo tìm nơi gửi con

Với khoảng 7.200 doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ đang hoạt động cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp (K,CCN), Long An thu hút khá nhiều lao động nhập cư. Và mỗi mùa tựu trường, công nhân lại loay hoay tìm nơi gửi con, bởi hệ thống cơ sở giáo dục trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu.

Thiếu chỗ gửi trẻ

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 127.000 công nhân, lao động (CNLĐ), trong đó, khoảng 88.000 CNLĐ nữ, phần lớn là dân nhập cư. Và hơn phân nửa trong số họ có con ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học. Do đó, mỗi khi năm học mới bắt đầu, không ít người phải đối mặt với việc tìm chỗ gửi trẻ phù hợp, an toàn để có thể yên tâm làm việc.

Trường mẫu giáo trong Khu công nghiệp Long Hậu, một trong những cơ sở được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực hiện khá tốt công tác quản lý cũng như chăm sóc trẻ

Chị Nguyễn Mai Thanh - CN Công ty ChingLuh, KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức chia sẻ: "Đa số CN đều muốn được gửi con vào trường công lập nhưng trường công lập chủ yếu nhận trẻ có hộ khẩu tại địa phương, lại quy định giờ đón trẻ từ 16 giờ 30 phút đến trước 17 giờ nên những ngày tăng ca, chúng tôi không thể đón con”.

Vì vậy, CN phải gửi trẻ tại các nhóm trẻ, cơ sở giữ trẻ tư thục với chi phí cao hơn so với các trường công lập. Vì đồng lương eo hẹp, một số CN còn gửi con mình cho người lớn tuổi ở trọ xung quanh. Thực tế, vẫn có một số  cơ sở tư thục được đầu tư về vật chất, trang thiết bị khá tốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho trẻ. Tuy nhiên, những cơ sở này rất ít, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của CN.

Một trong những cơ sở được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực hiện khá tốt công tác quản lý cũng như chăm sóc trẻ là Cơ sở mầm non Tuổi Thơ ở Khu lưu trú CN Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Cơ sở này đi vào hoạt động từ tháng 7/2011, ban đầu chỉ có gần 80 cháu theo học. Phòng học, phòng ăn được đầu tư, xây dựng khang trang, chi phí 1 triệu đồng/cháu/tháng. Tuy nhiên, so với nhu cầu gửi trẻ của CN KCN Long Hậu thì cơ sở này quá khiêm tốn.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương - CN Công ty Cường Vinh, KCN Hải Sơn chia sẻ: “Những năm trước, tôi cũng lo lắng, cuống cuồng tìm chỗ gửi con. Nhưng năm nay, tôi có kinh nghiệm, tôi sẽ gửi cháu tại trường mẫu giáo tư thục gần chỗ trọ. Các cô ở đó nhiệt tình và chu đáo chăm con”. 

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Hòa - Hồ Văn Xuân cho rằng: “Hiện nay, trường công lập chỉ dành cho con em dân địa phương, còn CN nhập cư phải gửi con tại các cơ sở tư nhân, nhưng để tìm nơi gửi trẻ phù hợp với thời gian và thu nhập của CN rất khó. Đây là vấn đề “đau đầu” đối với CN có con nhỏ”.

Nhiều nỗi lo

Chị Đặng Thảo Nguyên, quê Đồng Tháp, đang thuê trọ tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa cho biết: “Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền học cho con cũng phải mất đến gần 2 triệu đồng”. Không chỉ là học phí, điều làm chị Trần Thanh Tâm - CN Công ty Tanimex-LA, CCN Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An lo lắng nhất là việc chuyển nơi làm việc, đổi chỗ trọ, nên phải đổi nơi gửi con.

Những điểm giữ trẻ an toàn, trường mầm non đạt chuẩn luôn là niềm mơ ước của rất nhiều công nhân, lao động nhập cư có con nhỏ

“Bé nhà tôi 3 tuổi, phải 2 lần chuyển trường vì lúc trước, vợ chồng tôi làm ở Bến Lức; sau đó, chồng tôi xin việc ở TP.Tân An và tôi xin chuyển về đây. Mỗi lần chuyển nơi làm việc, điều tôi lo lắng nhất là tìm chỗ gửi con phù hợp”.

CN nữ có con nhỏ đang làm việc tại các K,CCN, phần lớn là dân nhập cư,... dẫn đến nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ ngày càng tăng. Mong rằng, các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng các công trình phúc lợi cho người lao động như nhà ở CN, siêu thị mini, trường mẫu giáo,... để CN nhập cư thuận tiện trong sinh hoạt, làm việc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích