Tiếng Việt | English

20/06/2016 - 09:09

Nỗi lo giữ trẻ ngày hè

Hè về, trong khi trẻ em háo hức với kỳ nghỉ lý thú thì những gia đình có trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học lại chật vật tìm chỗ gửi con. Thông thường, vào mùa hè, các trường công lập đều nghỉ hè 2 tháng. Trong 2 tháng ấy, một số gia đình chọn cách gửi con cho ông bà, cho đi học thêm, tham gia các lớp, nhóm mầm non tư thục,... thậm chí để trẻ ở nhà tự chơi.


Các trường, nhóm, lớp mầm non chủ yếu dạy hoạt động vui chơi cho trẻ trong mùa hè, từ đó góp phần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh

Anh Cao Văn Hoàng, công nhân Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết: “Mùa hè nào, tôi cũng phải nhờ mẹ vợ ở An Giang lên giữ cháu và đưa đi học thêm. Vì 2 vợ chồng đi làm công nhân, thường xuyên tăng ca, không có thời gian để đưa đón, chăm sóc con. Lương công nhân “3 cọc, 3 đồng”, vợ chồng tôi không có tiền thuê người giữ. Vả lại, giao cháu cho người thân trong gia đình giữ, vợ chồng tôi cũng yên tâm khi đi làm”.

Nhưng thực tế, không phải gia đình nào ông bà cũng có thể giữ trẻ. Hơn nữa, với tính hiếu động của trẻ nhỏ thì ông bà lớn tuổi khó có thể chăm sóc chu đáo. Một số gia đình phải để con ở nhà với vô số các đồ chơi như: Điện thoại, đồ chơi điện tử,... Đó là trường hợp của em Hồng Chí Đại, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Đại mới 11 tuổi, hằng ngày, em phải tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa khi ba mẹ vắng nhà. Ba mẹ em đang làm công nhân tại Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam. Ông bà nội, ông bà ngoại ở quê đều lớn tuổi nên không thể chăm sóc cháu. Nếu gửi con về An Giang (quê ba mẹ Đại) thì chi phí đi lại rất tốn kém. Hiện tại, thu nhập của ba mẹ Đại cộng lại hơn 7 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ đủ trang trải cuộc sống. Thế nên, anh chị quyết định để cháu tự chơi ở nhà trọ.


Buổi tối, phụ huynh em Hồng Chí Đại mới có điều kiện chăm sóc, dạy bảo con

Nhiều bậc cha mẹ chọn giải pháp để con chơi một mình ở nhà nhưng lại không lường trước được hậu quả. Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ xảy ra tại nạn, thương tích sẽ cao hơn khi trẻ tự chơi, tự sinh hoạt mà không có sự giám sát của người lớn, đôi khi trẻ có thể trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc, lạm dụng,... Với những trẻ lớn hơn, khi không có sự quan tâm của ba mẹ, các em dễ sa vào các tệ nạn như: Nghiện game, dễ bị lôi kéo, xúi giục. Hiện nay, mùa hè đối với một số em lại trở thành mùa mưu sinh để phụ giúp gia đình có thêm thu nhập. Phụ huynh em Nguyễn Thị Huỳnh Như, học sinh Trường Tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức cho biết: “Nhà nghèo nên không có điều kiện cho cháu đi học thêm, tham gia các lớp năng khiếu. Mùa hè, cháu chủ yếu ở nhà phụ gia đình buôn bán kiếm thêm thu nhập. Lúc nào rảnh rỗi, cháu đi chơi với các bạn quanh xóm”.

Nắm bắt được nhu cầu của các phụ huynh cần tìm chỗ gửi trẻ trong mùa hè, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo, từ đó, các lớp, nhóm mầm non tư thục mọc lên ngày càng nhiều. Thời điểm này, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình cũng hoạt động hết “công suất” để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Tùy theo độ tuổi, mỗi tháng, phụ huynh phải đóng từ 1-1,5 triệu đồng tiền gửi trẻ. Chỉ tính trên địa bàn huyện Cần Giuộc có khoảng 49 nhóm, lớp, nhà trẻ mầm non tư thục với trên 1.100 em tham gia.


Các trường, nhóm, lớp mầm non chủ yếu dạy hoạt động vui chơi cho trẻ trong mùa hè, từ đó góp phần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh

Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Trần Uyên Phương cho biết, huyện Cần Giuộc tập trung rất nhiều khu, cụm công nghiệp. Các nhóm, lớp mầm non tư thục được thành lập góp phần giảm gánh nặng giữ trẻ trong mùa hè cho các gia đình có con nhỏ, nhất là các gia đình là công nhân, viên chức,... Hầu hết các trường mầm non hoạt động trong hè chủ yếu dạy những hoạt động vui chơi, giải trí như: Múa, hát, vẽ và giáo dục kỹ năng sống, cách bảo vệ môi trường,...

Chị Châu Thị Út, công tác tại UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An chia sẻ: “Các trường mầm non tư thục hoạt động trong hè góp phần giúp gia đình tôi giảm được nhiều chi phí sinh hoạt. Mức học phí của trường cũng phù hợp với thu nhập của gia đình. Ngoài ra, trường luôn bảo đảm vệ sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi”.

Tuy nhiên, một số xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới thì chưa thành lập được các lớp, nhóm trẻ mầm non. Nghỉ hè, trẻ chủ yếu vui chơi tại nhà, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người lớn. Hy vọng thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Qua đó, góp phần giúp trẻ có một mùa hè thật bổ ích mà vẫn bảo đảm việc quản lý, bổ trợ kiến thức cho các em./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết