Tiếng Việt | English

04/05/2022 - 09:00

Công nhân, lao động có 'an cư' mới 'lạc nghiệp'

Là tỉnh phát triển công nghiệp, số lượng công nhân, lao động (CNLĐ) đến sinh sống, làm việc đông đúc nhưng thời gian qua, việc triển khai, thực hiện nhà ở xã hội cho CN còn quá ít, gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh Long An đang quyết tâm sẽ tạo sự đột phá lớn trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho CNLĐ.

Đầu tư nhà ở dành cho công nhân còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án nhà ở CN. Trong đó, có 3 dự án đã hoạt động: Khu lưu trú CN Long Hậu thuộc Khu công nghiệp Long Hậu, (diện tích sàn 38.230m2, gần 600 căn hộ, bố trí 1.600 người); Khu nhà ở CN Đông Quang thuộc Khu công nghiệp Hải Sơn (diện tích sàn hơn 7.300m2, 522 căn hộ, bố trí 1.700 người); Khu nhà ở xã hội Tân Đức (diện tích sàn 14.361m2, 458 căn hộ, bố trí 1.850 người); các dự án còn lại đang triển khai.

Số lượng dự án nhà ở CN đang triển khai trên địa bàn tỉnh như thời gian qua còn hạn chế và tiến độ rất chậm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Trang cho biết, nguyên nhân là phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều kinh phí, trong khi ngân sách của tỉnh chưa thể cân đối để bố trí nguồn vốn mà cần đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy được cải cách, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài.

Việc phát triển nhà ở xã hội yêu cầu phải chất lượng nhưng giá phải rẻ để phù hợp với người có thu nhập thấp. Mặt khác, nhà ở xã hội còn bị khống chế về đối tượng và mức lợi nhuận không được vượt quá 10%. Do đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm đầu tư nhà ở xã hội.

Khu lưu trú dành cho công nhân trong Khu công nghiệp Long Hậu

Ngoài ra, thông tin từ Sở Xây dựng, nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, giá bán thường thấp hơn giá nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường từ 20-30%. Tuy nhiên, do mức thu nhập của người dân nói chung, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp, gia đình trẻ còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc mua nhà ở. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu về nhà ở cho CNLĐ.

Qua đánh giá, trong số khoảng 160.000 CN làm việc tại 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động thì khoảng 30% (tương ứng 48.000 người) có nhu cầu về nhà ở. Như vậy, chỉ riêng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần nhiều CNLĐ phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng với 20.000 căn, diện tích khoảng 300.000m2. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc, những năm qua, các cấp, các ngành và doanh nghiệp triển khai, thực hiện nhiều mô hình tại nhiều khu nhà trọ như Khu nhà trọ văn hóa, an ninh, trật tự (ANTT), tự quản,... Các mô hình góp phần cải thiện chất lượng sống cho CN. Tuy nhiên, ở mặt nào đó về tiêu chuẩn, các nhà trọ vẫn còn những hạn chế và tình hình ANTT, môi trường, phòng cháy, chữa cháy còn nhiều điều phải quan tâm.

6 năm làm CN trong một công ty tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức), vợ chồng chị Lê Thị Liên thuê phòng trọ khoảng 15m2 để ở. Con gái hơn 4 tuổi phải gửi về quê Sóc Trăng cho ông bà nội chăm sóc vì chỗ ở hiện tại không bảo đảm. Chị Liên nói: “Thu nhập không dư được nhiều để có thể mua nhà ở. Cũng muốn thuê phòng sạch sẽ hơn nhưng trong tình hình “bão giá” như hiện nay, tôi đành phải cầm cự bởi còn nhiều cái lo và các khoản chi tiêu khác”.

Anh Nguyễn Văn Phương cùng vợ hiện ở trọ tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa để làm CN trong một công ty thuộc Khu công nghiệp Tân Đức. Cũng như nhiều CN khác, anh chị có con nhỏ gửi ở quê cho ông bà chăm sóc. Được biết, anh Phương và vợ đến Đức Hòa làm CN đã 5 năm, thay đổi nhiều chỗ ở trọ. Hỏi về chuyện nhà cửa, anh Phương nói ngắn gọn: “Với thu nhập hiện tại, để mua hay xây được nhà thì quả là rất khó, không biết đến bao giờ”.

Nói về dự định lâu dài, anh Phương cho hay, sẽ làm CN thêm vài năm nữa rồi về quê, bởi "bám trụ" mà không có nhà cửa thì khó ổn định cuộc sống, trong khi con ngày một lớn hơn, cần điều kiện sống tốt hơn để phát triển.

Chung tay đầu tư, phát triển nhà ở công nhân

Hiện nay, Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND, ngày 24/8/2020. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 194.000m2, tương ứng 4.848 căn (mỗi căn khoảng 40m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 40% CN có khó khăn về nhà ở. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng 291.000m2, tương ứng 7.272 căn (mỗi căn khoảng 40m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60% CN có khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai lập đề án nhà ở xã hội cho CN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến năm 2025 phải đầu tư hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội cho CN.

“Sở Xây dựng đang phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp, biện pháp chặt chẽ hơn trong việc cùng các doanh nghiệp, chủ đầu tư chăm lo tốt hơn các điều kiện ở của CN và thiết chế văn hóa trong các khu, cụm công nghiệp” - ông Nguyễn Văn Trang thông tin.

Sở Xây dựng và các cấp, các ngành sẽ tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu nhà ở CN trong các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động để rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, khuyến khích xã hội hóa xây dựng nhà ở cho CN, người LĐ, người có thu nhập thấp. Đối với các khu công nghiệp chuẩn bị thành lập mới thì phải có khu nhà ở riêng biệt và các công trình phúc lợi cho CN, người LĐ: Trường học, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí; các chính sách xã hội khác. Đó là giá cả cho thuê hoặc bán phải hợp lý cho CN, người LĐ có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.

Đối với ngoài khu, cụm công nghiệp, việc thiết kế nhà ở xã hội riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cũng cần phải bảo đảm chất lượng, phù hợp quy hoạch và điều kiện tối thiểu theo tiêu chuẩn thiết kế và điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ. Theo đó, UBND cấp huyện, khi cấp phép xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ phải bảo đảm tiêu chuẩn diện tích nhà ở tối thiểu theo diện tích ở, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, ANTT và phù hợp với quy hoạch. Các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc cho thuê nhà ở, giá bán, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, không phù hợp với khả năng của người LĐ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Tổng hợp tin đăng kiếm việc mới nhất đơn hàng đặc định Khám phá cv online đẹp