Tiếng Việt | English

04/07/2020 - 13:05

Công nhân lớn tuổi và nỗi lo mất việc sau dịch Covid-19

Sau dịch bệnh Covid-19, do ảnh hưởng chung, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân (CN) nghỉ việc, ưu tiên chỉ giữ chân công nhân, lao động (CNLĐ) trẻ và có xu hướng sa thải CNLĐ lớn tuổi. Chính vì thế, phần lớn CNLĐ lớn tuổi phải đối mặt với nhiều nỗi lo không biết phải đi về đâu khi vấn đề tìm việc làm ngày càng trở nên khó khăn.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động, công nhân lao động lo mất việc làm, nhất là công nhân, lao động lớn tuổi

Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền

CNLĐ lớn tuổi, nhất là đối với những CNLĐ đã có gia đình, họ phải có trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng con nên gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” luôn là nỗi lo hiện hữu hàng ngày. Bởi thế, khi mất việc, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Tuyền, ngụ ấp 2, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là mẹ đơn thân. Chị yên phận với công việc làm CN cho một công ty (Cty) may giày da để nuôi các con và mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương CN ít ỏi của chị. Sau dịch bệnh Covid-19, Cty chị giảm bớt lao động (LĐ) vì không có đơn hàng, chị không có việc gì làm nên cũng không có thu nhập. Bữa cơm gia đình chị thời gian này đã “cắt giảm” hết mức có thể. Hôm chúng tôi ghé vào lúc chiều muộn, mâm cơm của gia đình chỉ có dĩa rau muống luộc, cái trứng vịt dầm nước tương và tô nước rau luộc làm canh. Chị Tuyền buồn bã nói: “Thời gian tới, nếu không xin được việc làm, tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào để duy trì cuộc sống”.

CNLĐ lớn tuổi mất việc không chỉ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày mà còn trăn trở với nỗi lo tìm việc làm phù hợp trong tương lai. Không khó để nhận biết, ưu tiên của các doanh nghiệp hiện nay là giữ chân LĐ trẻ, có tay nghề và sa thải LĐ lớn tuổi. Do vậy, hậu dịch bệnh Covid-19, LĐ lớn tuổi phải đối mặt với nỗi lo mưu sinh, không biết tương lai sẽ về đâu khi cánh cửa việc làm cứ ngày càng thu hẹp.

Hơn 1 tháng nay, sau khi nghỉ việc tại một Cty may với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cty hết việc nên phải cắt giảm LĐ thì chị Tô Thanh Thuận, 46 tuổi, ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, cũng không biết làm gì. Chị Thuận đã đến nhiều nơi xin việc nhưng họ đều không nhận với lý do sản xuất khó khăn và không tuyển người lớn tuổi. Dịch bệnh Covid-19 đến thời điểm này đã để lại hậu quả nặng nề đối với việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn hoặc thanh lý hợp đồng với người LĐ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những Cty vẫn có thể hoạt động cầm chừng, trong trường hợp phải cắt giảm LĐ, họ sẽ “nhắm” đến những CNLĐ làm ở các bộ phận không quan trọng, CNLĐ lớn tuổi. Điều này đặt “gánh nặng” lên vai người LĐ, nhất là CNLĐ nữ khi tuổi không còn trẻ.

Công ty cũ mất việc, công ty mới chỉ tuyển người trẻ

Hiện tại, sau dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải sản xuất cầm chừng nên không tuyển thêm CNLĐ. Theo ý kiến của một số chị CNLĐ lớn tuổi, nếu là nam giới thì ở tuổi trên 45 vẫn còn sức khỏe có thể tham gia các công việc tự do như bốc vác, phụ hồ, giao hàng,... để có tiền trang trải cuộc sống. Còn phụ nữ ở tuổi trên 45, cơ hội có việc làm mới hết sức hiếm hoi.

Chị Trần Thị Phượng, 49 tuổi, ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước, cho biết, từ cuối tháng 4, do dịch bệnh Covid-19, Cty nơi chị làm việc bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cty có thông báo, chưa biết đến bao giờ mới có thể khôi phục sản xuất nên đành phải cho nhiều CNLĐ nghỉ việc, trong đó có chị. Mất việc, không còn thu nhập trang trải cuộc sống nên chị cũng “sốt sắng” đi tìm việc tại một số Cty, cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, đi đến đâu chị cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối bởi những Cty có yêu cầu tuyển người cũng chỉ ưu tiên nhận những người trẻ tuổi.

Theo ghi nhận chung, một số Cty đã buộc phải cho CN nghỉ việc khoảng 4-5 tháng. Thời gian này, nhiều Cty thực hiện tạm hoãn mọi hợp đồng LĐ và không chi trả bất cứ chế độ nào cho CNLĐ. Điều đáng nói, trong thông báo của các Cty cũng nêu rõ, đây chỉ là thời gian dự kiến, còn sự hoạt động trở lại của Cty phụ thuộc vào việc có ký kết được các đơn hàng hay không. Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra những lời an ủi rằng, sau khi phục hồi lại sản xuất, sẽ ưu tiên nhận lại những CN từng làm việc tại Cty. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời hứa. Điều này khiến chị Lê Ngọc Diệp, 43 tuổi, làm việc gần 10 năm tại Cty may túi xách trên địa bàn huyện Cần Giuộc, “đứng ngồi không yên”. Dù mới nghỉ làm nhưng chị Ngọc Diệp đã không ngần ngại dò hỏi các nơi để xin việc khác, dẫu biết rằng hy vọng không nhiều. Vợ chồng chị có 2 người con, trong đó đứa nhỏ mới gần 4 tuổi. Chồng chị hiện là LĐ tự do, thu nhập bấp bênh. Nếu chị không có việc làm thì cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhằm trang trải cuộc sống, gần đây, chị phải gửi con để theo chồng đi bốc vác vào ban đêm.

Hiện tại, nhiều CN đang làm việc tại các khu công nghiệp luôn phải phập phồng, lo sợ khi tuổi đời, tuổi nghề ngày càng cao, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Mong rằng, các ngành chức năng, doanh nghiệp, các cấp chính quyền, đoàn thể ở các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ tìm việc hoặc tạo việc làm tại chỗ, với phương châm ưu tiên cho những CNLĐ thuộc nhóm đối tượng này. Các doanh nghiệp sau khi khôi phục sản xuất trở lại cũng nên quan tâm đến những CN lớn tuổi, nhất là CNLĐ nữ để giúp họ có cơ hội, việc làm, thu nhập vươn lên trong cuộc sống./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích