Tiếng Việt | English

21/04/2020 - 16:25

Hỗ trợ lao động tự do mất việc: Chi tiết để không bỏ sót đối tượng

Các quy định về giãn các xã hội đang khiến cho lao động phi chính thức, lao động tự do được phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất từ dịch bệnh COVID-19 so với các nhóm đối tượng khác.


Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người. Yêu cầu đặt ra hiện nay là việc hỗ trợ phải được thực hiện đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, việc triển khai một gói an sinh xã hội lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến hàng chục triệu đối tượng thụ hưởng thì lại không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Làm thế nào để không bỏ sót đối tượng khó khăn đang là bài toán đặt ra với các cơ quan chức năng và mỗi địa phương.

Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhóm đối tượng trong thị trường lao động Việt Nam được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất chính là những người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng. Chính phủ Việt Nam cũng đã kịp thời đưa nhóm này vào diện sẽ nhận được hỗ trợ từ Nhà nước.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.

Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm trong những năm gần dây, nhưng vẫn có tới hơn 70% lao động (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế.

Theo tiến sỹ Chang-Hee Lee, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đối tượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động trong nền kinh tế "gig" (nền kinh tế việc làm tự do).

Bên cạnh đó, tiến sỹ Chang-Hee Lee cũng chỉ ra rằng lao động di cư trong nước, (lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số) thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước còn thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.

Bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%.

“Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình). Chính vì vậy, rất cần thiết phải đảm bảo cách có tính đến yếu tố giới trong các phản ứng chính sách,” tiến sỹ Chang-Hee Lee nhấn mạnh.

Khó xác định đối tượng

Các quy định về giãn các xã hội đang khiến cho lao động phi chính thức, lao động tự do phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, họ lại thường không được hưởng các chính sách bảo vệ từ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... của hệ thống an sinh xã hội. Khó khăn là thế nhưng họ cũng chính là những đối tượng khó xác định nhất khi thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Những người bán hàng rong có thể được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Khẳng định lao động tự do là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch COVID-19 nhưng Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho hay việc xác định lao động tự do nào sẽ được hỗ trợ đang là vấn đề rất khó khăn, bởi khó có thể định lượng được các tiêu chí về công việc.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng việc xác định hộ khẩu, tạm trú tạm vắng của các đối tượng lao động tự do đã khó, vấn đề xác định việc làm của họ cũng không hề đơn giản. Có những đối tượng có hợp đồng bằng văn bản nhưng cũng có những đối tượng chỉ có hợp đồng bằng miệng hay thậm chí hoàn toàn không có hợp đồng. Vì vậy, vai trò của phường, quận trong việc xác định và tập trung những đối tượng này là rất quan trọng.

“Chúng ta cần phải thực hiện trên cơ sở là nếu đối tượng đó thường trú tại địa bàn thì xác định theo hộ khẩu thường trú còn nếu đối tượng di cư tự do thì phải có đăng ký tạm trú tạm vắng,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Để làm rõ hơn những đối tượng lao động tự do sẽ nhận được hỗ trợ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất liệt kê dự kiến các nhóm lao động tự do gồm: Người bán hàng rong, bán quà vặt; người lái xe ôm, xích lô; người thu gom rác; người làm bốc vác; người bán vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe…

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có thông tư chi tiết hóa thêm các đối tượng lao động tự do để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể. Việc cụ thể hoá các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo không bỏ sót những người lao động tự do đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đồng thời hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Có 7 nhóm đối tượng chính được hỗ trợ gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2020; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.

Theo Vietnamplus

Chia sẻ bài viết