Tiếng Việt | English

10/03/2018 - 05:44

CPTPP tác động tích cực đến nông dân và ngư dân Việt Nam

CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân..., giúp xóa đói giảm nghèo.


Ngư dân tỉnh Phú Yên khai thác cá ngừ. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước tham gia; trong đó, có Việt Nam đã được ký kết vào chiều 8/3 tại Santiago de Chile (tức 1 giờ sáng 09/3 theo giờ Việt Nam).

Mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, dự kiến sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho các nước tham gia. 

Chiều 09/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, phóng viên  đã có buổi trao đổi với ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về những lợi ích, tác động cụ thể của Hiệp định CPTPP tới nền kinh tế Việt Nam. 

- CPTPP không có Mỹ, lợi ích của Việt Nam sẽ giảm đi như thế nào, thưa ông? 

Ông Lương Hoàng Thái: CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công của TPP. Do đó, cơ bản 100% dòng thuế với tất cả hàng hóa sẽ về 0%. Song điểm đáng lưu ý với Việt Nam, các nước sẽ dành cho Việt Nam lộ trình tương đối dài hơn. 

Có rất nhiều cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho Việt Nam ở mức rất cao. Ví dụ với nông nghiệp có mặt hàng cá ngừ. Trước đây, Nhật Bản chưa mở cửa thì nay ta đã đạt được cam kết tốt hơn nhiều. Đây là lợi thế khi Nhật Bản là nước có dung lượng thị trường lớn, giá cao. Hoặc các mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh. Thủy sản cũng có cơ hội như vậy dù lộ trình giảm thuế dài hơn. 

CPTPP dù không còn Mỹ nhưng những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên. Do đó, ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao. Ngoài ra, là cơ hội khai thác các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru... Đặc biệt, CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân..., giúp xóa đói giảm nghèo. 

- CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên; trong đó có Việt Nam. Vậy trong lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam hướng tới kết quả như thế nào khi tham gia CPTPP, thưa ông? 

Ông Lương Hoàng Thái: Phần lớn các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) là nhìn vào cơ hội mở cửa thị trường, sau khi tham gia đạt được như thế nào và với Việt Nam cũng vậy. Với CPTPP, nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên như TPP, tức là tiêu chuẩn mở cửa thị trường rất cao. 

Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm. Còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng. 

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, thuế trung bình khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%. Nếu thuế đưa về 0% thì tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Mặc dù Mỹ rút khỏi TPP, nhưng với thị trường 500 triệu dân của nhiều nước CPTPP có quy mô kinh tế tương đối lớn thì lợi ích đối với Việt Nam tương đối rõ rệt. 

Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây, ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước, nhưng gần đây ta có vươn ra mua sắm công ở nước bên ngoài, chẳng hạn như Tập đoàn FPT có dịch vụ phần mềm tại Nhật Bản... 

- Thưa ông, vậy tác động gián tiếp của CPTPP thì sẽ như thế nào? 

Ông Lương Hoàng Thái: Việc tham gia CPTPP còn khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách để hội nhập, qua đó có thể định vị về cách thức cải cách trong tương lai theo hướng dễ tiên liệu và phù hợp tiêu chuẩn đã được các nước thành công trong quá khứ áp dụng. Điều này giúp tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. Đây là lợi ích gián tiếp. 

Theo nhiều nghiên cứu, lợi ích gián tiếp cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP trực tiếp giúp Việt Nam tăng trưởng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP. 

Đó là chưa kể, khi triển khai hiệu quả, hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Chưa có công cụ chỉ ra lợi ích từ việc phi thuế quan mang lại khi tham gia hiệp định. Nhưng trên thực tế ta thấy, khi các nước có hiệp định thương mại tự do với nhau tức là chấp nhận luật chơi chung; có chất lượng quản lý, thương mại, nội dung quan tâm phát triển thì có sự tin tưởng nhau hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều. 

Đơn cử như thời gian trung bình để một nước công nhận một mặt hàng tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đi vào nước họ đối với nước trong FTA giảm 3 lần so với nước không có FTA gặp phải. 

Chẳng hạn, Việt Nam phải mất nhiều năm để thuyết phục các nước là quả thanh long của Việt Nam an toàn. Nhưng nếu đã có hệ thống thông qua tiêu chuẩn của FTA để người ta tin tưởng, hàng hóa Việt Nam tuân thủ quy định quốc tế thì thị trường nước ngoài sẽ tin tưởng hơn, giúp xuất khẩu của ta thuận lợi hơn. Đây là lợi ích các FTA trong quá khứ đã cho thấy nhưng để lượng hóa ngay khi FTA vừa ký là khó. 

- Thưa ông, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị như thế nào cho CPTPP? 

Ông Lương Hoàng Thái: Việc chuẩn bị của doanh nghiệp tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Như khi Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với hai nước này vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Khi ta đưa thuế về 0% thì ngành đó không phát triển được. 

Tuy nhiên, thực tế thì ngành sữa vươn lên phát triển mạnh hơn. Tất nhiên có những ngành vẫn không cạnh tranh được. Nếu không cạnh tranh được thì từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành có lợi thế cạnh tranh tốt nhất. 

CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị. Một nhóm doanh nghiệp ở thế yếu hơn so với các doanh nghiệp khác là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ, đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng cơ hội và điều chỉnh cạnh tranh. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết