Chị Trần Thị Ngọc Thùy (bìa phải, hàng đầu) đại diện huyện Đức Hòa nhận bằng khen tại Hội thi Cán bộ hội giỏi
1. Gắn bó với công tác Hội PN gần 20 năm, trong đó có đến 15 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chị Trần Thị Ngọc Thùy không chỉ làm tốt công việc chuyên môn mà còn vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Từ một cán bộ cơ sở, chị Thùy không ngại khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Khoảng thời gian từ năm 2006-2010 khi chị theo học Đại học chuyên ngành Xã hội học tại TP.HCM, lúc ấy con gái lớn đang tuổi dậy thì, con trai út chỉ vừa tròn 5 tuổi. Chị vừa học, vừa làm, vừa phải chăm sóc con, vất vả trăm bề. Thế nhưng, chị được sự hỗ trợ, động viên rất lớn từ chồng, giúp chị khắc phục khó khăn.
Chị nhớ lại, những ngày đầu đến nhận nhiệm vụ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Địa bàn xã rộng, dân cư thưa thớt, kinh phí hỗ trợ chẳng bao nhiêu, công tác tập hợp hội viên, PN lại càng khó khăn hơn. Không nản lòng, chị đến từng nhà dân trò chuyện, “rủ rê” họ tham gia các phong trào ở địa phương. Dần dần, nhiều mô hình có ý nghĩa được thành lập, thu hút đông đảo hội viên, PN tham gia. Đó là các mô hình: Hỗ trợ ngành nghề truyền thống (đan lát), tổ PN tương trợ giúp nhau mua bảo hiểm y tế, tuyến đường không rác, hướng dẫn, phân loại rác tại nguồn,... góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
“Nhiều năm tham gia công tác, điều tôi có được chính là sự tín nhiệm của đông đảo chị em. Có những cán bộ hội nòng cốt, nhiệt tình gắn bó với tôi đến nay đã mấy chục năm. Vì vậy, dù phải tham gia sinh hoạt tổ, nhóm vào buổi tối hoặc ngày chủ nhật, tôi vẫn sẵn lòng” - chị nói.
Vừa tham gia công tác, chị vừa sắp xếp thời gian để chăm lo cuộc sống gia đình. Mấy chục năm bên nhau, từ lúc cưới nhau đến khi sinh con, nay có thêm con rể về ở chung, gia đình chị luôn đầm ấm và duy trì thói quen thức dậy lúc 5 giờ sáng.
Chị bộc bạch: “Vợ chồng, các con hiểu nhau, động viên nhau làm việc. Cuộc sống gia đình tôi giờ ổn định hơn xưa. Con gái công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, con trai đang học năm thứ nhất Trường Đại học Nông Lâm, TP.HCM. Từ việc lớn đến việc nhỏ, chúng tôi cùng nhau bàn bạc và chia nhau làm. Đây cũng là bí quyết giúp gia đình tôi đầm ấm, hạnh phúc”.
Theo Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Đức Hòa, xã Hiệp Hòa là một trong những đơn vị của huyện có phong trào PN được xếp loại vững mạnh hàng năm, trong đó phải kể đến vai trò của chị Thùy. Bản thân chị không chỉ là người chịu khó, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ công tác hội mà còn là PN khéo léo, chăm lo hạnh phúc gia đình. Chị Thùy nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, Hội PN tỉnh vì có nhiều thành tích.
2. Khi xã Thanh Phú, huyện Bến Lức phát động thành lập mô hình Khu vườn mẫu, vợ chồng chị Mai Thị Lộc và anh Võ Phúc Hưng, ngụ ấp 1B, là một trong những gia đình tiên phong thực hiện. Nhờ sự đồng lòng, vợ chồng anh chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chị kể, quê chị ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, lập gia đình, về sinh sống tại huyện Bến Lức. Mấy chục năm qua, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nông nghiệp. Hàng ngày, anh chị quanh quẩn bên ruộng vườn, chăn nuôi heo để nuôi 3 người con. Lúc trước, khi mới trồng rau, vợ chồng anh chị phải bỏ công để chở đi bán lẻ tại một vài chợ ở TP.HCM. Vất vả, khó nhọc là vậy nhưng vợ chồng luôn động viên nhau để vượt qua. Thời gian sau, anh chị đến các xã trồng rau của huyện Cần Giuộc để học tập kinh nghiệm. Gần 1 năm nay, khi địa phương phát động mô hình Khu vườn mẫu, hơn 200m2 đất được anh chị trồng các loại rau ăn lá, vừa tạo mỹ quan, vừa có thêm thu nhập.
Vợ chồng chị Mai Thị Lộc cùng nhau làm việc để xây dựng cuộc sống gia đình
“Tham gia mô hình, chúng tôi được hướng dẫn khoa học - kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch và có chất lượng, góp phần tăng thu nhập cũng như cải thiện môi trường sống của người dân nông thôn. Hiện nay, vợ chồng tôi vừa trồng rau, vừa bán tại chợ xã Thanh Phú. Mỗi tháng, chúng tôi thu nhập được khoảng 10 triệu đồng từ nghề trồng rau. Tôi cho rằng, khi làm bất cứ công việc gì, chỉ cần vợ chồng hiểu nhau, động viên nhau, chia sẻ cùng nhau, cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn” - chị cho biết.
3. Cảm nhận của chúng tôi khi gặp gỡ chị Nguyễn Thị Xiệt, ngụ ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, là sự vui vẻ, thân thiện. Căn nhà rộng, thoáng mát của anh chị gọn gàng, tươm tất và sạch đẹp từ đầu ngõ vào tận trong bếp. Đó là từ sự khéo léo, đảm đang của chị.
Lập gia đình ở độ tuổi ngoài 30 tuổi, đến nay hơn 10 năm làm dâu, cuộc sống gia đình chị luôn trong ấm, ngoài êm. “Tôi suy nghĩ đơn giản: Mình thương mẹ thì mẹ sẽ thương mình thôi. Hơn nữa, mẹ chồng tôi là người tâm lý, rất gần gũi với con, cháu. Là người vợ, người mẹ trong gia đình, bản thân phải biết cân bằng giữa việc nhà và công tác xã hội, khéo léo trong cách cư xử, có như vậy, cuộc sống gia đình mới không bị ảnh hưởng” - chị chia sẻ.
Hàng ngày, chị ở nhà nấu rượu, bỏ mối cho các hàng quán, phụ chồng chăn nuôi heo, bò và trồng ổi, trồng bưởi, quán xuyến chuyện bếp núc. Chị cho rằng, công việc tuy có bận rộn, vất vả nhưng vợ chồng cùng trao đổi, chia sẻ, những nhọc nhằn ấy có đáng là bao!
Ngần ấy công việc gần như chiếm hết thời gian nhưng chị luôn được chồng san sẻ, động viên làm những điều mình thích. Đó là tham gia sinh hoạt PN trong ấp. Tổ PN do chị đảm nhận quản lý tốt nguồn vốn, giúp chị em có điều kiện làm kinh tế gia đình. Mấy năm nay, vợ chồng chị dành một góc nhỏ trước nhà để đặt tủ sách pháp luật, hỗ trợ người dân những thông tin cần thiết. Anh chị còn phụ trách cụm loa của ấp, phát thông tin hàng ngày vào buổi chiều và buổi sáng,... Ngoài ra, chị không ngại khó đi vận động xây dựng các công trình giao thông nông thôn địa phương; tham gia lớp tập huấn Khởi sự kinh doanh dành cho PN. Vợ chồng anh chị cũng thường tham gia đóng góp, hỗ trợ các phong trào địa phương và là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ sự yêu thương, chia sẻ, cảm thông và sự gắn kết của các thành viên. Hạnh phúc gia đình là điều thiêng liêng! Mỗi chúng ta cần trân trọng và giữ gìn, hạnh phúc sẽ mãi bên ta.
Chị Nguyễn Thị Xiệt (bìa trái) tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn
Nhiều năm nay, Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh duy trì, nhân rộng, nâng chất lượng hoạt động các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ/tổ PN không sinh con thứ 3; tổ chăm sóc sức khỏe PN; nhóm nhỏ kế hoạch hóa gia đình - tăng thu nhập; địa chỉ tin cậy cộng đồng; nuôi con bằng sữa mẹ; nhóm PN nuôi con khỏe, dạy con ngoan; gia đình hội viên không vi phạm pháp luật;...
Các cấp hội trong tỉnh có nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên, PN. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các cấp hội tạo điều kiện cho trên 54.000 hộ vay với số tiền hơn 1.200 tỉ đồng,... Các cấp hội còn tổ chức nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực: Trao học bổng cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc sức khỏe hội viên, PN, khám, cấp thuốc miễn phí, vận động nhu yếu phẩm ủng hộ bếp ăn từ thiện; xây dựng 126 mái ấm tình thương;... với tổng trị giá trên 19 tỉ đồng./.
|
Nguyệt Nhi