Không chỉ đa dạng ngành nghề, Trường Cao đẳng Long An còn được trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại
Đa dạng các ngành, nghề đào tạo
Hiện tỉnh có 25 cơ sở GDNN, trong đó, Trường Cao đẳng Long An là trường cao đẳng công lập duy nhất với các cơ sở tại TP.Tân An, huyện Đức Hòa, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường. Trường được xây dựng trên diện tích gần 18ha (4 cơ sở), có máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại với tổng kinh phí đầu tư trên 435 tỉ đồng cùng 20 ngành, nghề đào tạo. Theo Phó Hiệu trưởng Lê Minh Tâm, trường đang có trên 4.000 học sinh, sinh viên (HSSV) theo học trình độ trung cấp, cao đẳng. Từ nay đến năm 2025, trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đầu tư là 1 trong 88 trường cao đẳng chất lượng cao của cả nước cùng dự án 5 nghề trọng điểm (cấp độ quốc tế: Lắp đặt thiết bị cơ khí, Điện công nghiệp; khu vực ASEAN: Hàn, Cơ điện tử; quốc gia: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí) với kinh phí trên 160 tỉ đồng.
Ngoài Trường Cao đẳng Long An, một địa chỉ đào tạo nghề uy tín, góp phần cung ứng LĐ cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An (tại huyện Bến Lức). Để nâng cao chất lượng, trường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Trường có 8 ngành nghề, trong đó, nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp và dân dụng, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí có cơ hội việc làm rất cao.
HS Nguyễn Hoàng Quân (SN 2000, ngụ ấp 4, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), lớp Điện công nghiệp và dân dụng, cho biết: “Chương trình đào tạo tại trường rất thiết thực, được thực hành nhiều nên khi đi làm, tôi sẽ không bỡ ngỡ. Hơn nữa, trường có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HS; khi ra trường tôi cũng an tâm vì được giới thiệu việc làm ổn định”.
Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phần thực hành chiếm đến 70% chương trình đào tạo nên học sinh, sinh viên đủ khả năng bắt nhịp với công việc ngay sau khi ra trường
Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng LĐ có tay nghề của các DN trong và ngoài tỉnh rất lớn. Do đó, các cơ sở GDNN luôn gắn kết chặt chẽ với DN nhằm bảo đảm việc làm cho HSSV. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An - Phạm Thị Trinh cho biết, không chỉ gắn kết với các DN, nhà trường còn tăng cường tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các DN, thống kê tỷ lệ việc làm của HS nhằm có những định hướng đào tạo sát thực tế. Hiện tại, 80-85% HS ra trường có việc làm ngay, còn lại làm việc tại nhà hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Với Trường Cao đẳng Long An, để bảo đảm đầu ra việc làm ổn định cho HSSV, trường tạo mối quan hệ với hơn 100 DN. Hàng năm, trường tổ chức Ngày hội việc làm, mời DN đến phỏng vấn, tuyển dụng ngay tại trường. Kết quả, có trên 95% HSSV tìm được việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn gắn kết chặt chẽ với DN trong việc đưa HSSV thực tập thực tế, nhận phôi liệu của DN về trường cho HSSV thực hành theo hướng làm ra sản phẩm, giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp và gắn với Đề án đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của UBND tỉnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhà trường phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An và các DN phổ biến Đề án đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh cho hơn 1.000 HSSV chuẩn bị tốt nghiệp năm 2020, qua đó giúp các em nắm bắt được nội dung của Đề án, chính sách vay vốn, ngành nghề, thị trường và điều kiện tuyển dụng để có sự lựa chọn phù hợp sau tốt nghiệp.
Cuối tháng 7/2020, trường đã ký kết hợp tác toàn diện với Cty TNHH ESUHAI nhằm kết nối HSSV tốt nghiệp trong hệ thống GDNN của tỉnh có cơ hội đến Nhật Bản làm việc, tăng thu nhập và nâng cao trình độ chuyên môn,…
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chỉ cần thay đổi tư duy, hướng đến mục tiêu cụ thể, rõ ràng thì con đường thành công sẽ đến, dù làm “thợ” hay làm “thầy”. Đối với các cơ sở GDNN, ngoài đa dạng các ngành nghề, phần thực hành chiếm đến 70% chương trình đào tạo nên HSSV đủ khả năng bắt nhịp với công việc ngay sau khi ra trường, chưa kể, nếu mạnh dạn thử sức tham gia làm việc tại nước ngoài còn có thể đạt mức thu nhập cao và mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh, thời gian tới, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến rõ nét về số lượng, chất lượng đào tạo; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất LĐ và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Theo đó, các giải pháp đột phá là triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ,... thích ứng với nhu cầu của thị trường LĐ. Thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về LĐ có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành, nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng LĐ. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ ”3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người LĐ dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người LĐ đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật./.
|
Phạm Ngân