Những món ăn truyền thống
Trước đây, khi đời sống còn thiếu thốn, người dân quê thường tự cung, tự cấp mọi thứ, từ các loại trái cây chưng trên bàn thờ tổ tiên hay ít thịt heo để ăn trong ba ngày tết. Bây giờ, ở quê quá đầy đủ, các gia đình không còn phải vất vả chuẩn bị tết như trước vì mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay siêu thị. “Tuy nhiên, mua gì thì mua, sắm gì thì sắm, gia đình tôi vẫn giữ thói quen tự tay chuẩn bị các món ăn cho gia đình và đãi khách trong mấy ngày tết” - bà Phạm Thị Cà, ngụ ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, chia sẻ.
Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn giữ truyền thống gói bánh tét ngày tết
Nhắc đến các món ăn ngày tết của miền Nam thì không thể thiếu bánh tét. Ở quê, trước đêm giao thừa hay mùng 1 tết, hầu như nhà nào cũng quây quần gói bánh trong tiếng cười nói rôm rả. Nhà nào đông con cháu thì làm riêng một nồi. Nhà nào ít người có thể “hùn” với hàng xóm. Ông Cao Hữu Tâm (chồng bà Cà) tâm sự: “Ngày tết, nếu không gói bánh tét thì thấy thiếu thiếu cái gì đó vốn rất đỗi thân quen! Vì vậy, dù bận rộn đến mấy, gia đình tôi vẫn thu xếp để tự tay làm những đòn bánh ngon dâng cúng ông bà và nấu những món ăn mang đậm hương vị quê hương”.
Để chuẩn bị cho việc gói bánh, bà Cà phải mua nguyên liệu từ trước đó vài ngày. Nếp phải chọn loại thơm dẻo, trước khi gói phải ngâm qua đêm, hoặc ít lắm cũng vài ba tiếng đồng hồ. Nhân bánh gồm đậu xanh, chuối hoặc thịt heo, tùy theo sở thích. Lá chuối phải chọn những chiếc to, rọc ra rồi đem phơi một nắng cho dịu lại để dễ gói. “Khi mọi khâu chuẩn bị hoàn tất cũng là lúc cả nhà tề tựu đông đủ, mỗi người một công đoạn, người gói, người cột, người lo chuẩn bị nồi nấu, cùng kể nhau nghe những chuyện vui, buồn trong một năm qua. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của ngày tết!” - bà Cà chân tình nói.
Lưu giữ hương vị quê hương
Trong thời đại công nghệ số, tết của người Việt cũng trở nên hối hả hơn. Nhiều gia đình, nhất là ở thành thị, do bận mưu sinh nên không còn thời gian để tự tay chuẩn bị các món ăn truyền thống cho gia đình. Hương vị tết cũng vì thế mà vơi đi không ít. Bà Lê Thị Náo, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Năm nào, gia đình tôi cũng tổ chức làm bánh in, loại bánh truyền thống của vùng này để con, cháu có thể thấy được không khí cũng như hương vị ngày tết của quê hương”.
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ, gia đình bà Lê Thị Náo (xã Nhựt Ninh) bắt đầu làm bánh in cúng ông bà và dùng để đãi khách trong mấy ngày tết
Theo bà Náo, làm bánh in bây giờ không còn vất vả nhiều như ngày xưa. Bột nếp rang, được đóng gói sẵn có thể mua sử dụng bất cứ lúc nào nên rất tiện lợi. Nhân bánh có 2 loại. Nhân ngọt gồm đậu xanh, sầu riêng và một ít đậu phộng để tăng thêm hương vị. Nhân mặn thông thường gồm mỡ heo, mít, chuối khô, gừng,... tất cả xắt sợi vừa ăn và có thể gia giảm tùy theo sở thích. Bột sau khi chế biến thì cho vào khuôn hình tròn với họa tiết long, phượng hoặc hoa hồng,... Đối với bánh mặn thường được đóng trong khuôn hình chữ nhật, khi đãi khách, có thể cắt thành từng lát nhỏ vừa ăn.
Ngoài bánh in, từ trước tết gần nửa tháng, gia đình bà Náo còn làm củ kiệu, dưa muối để ăn kèm với thịt kho tàu. Đây cũng là những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm cúng ông bà trong ngày đầu năm. Bà Náo cho biết: “Để bảo đảm sức khỏe cả gia đình, tôi thường tự tay lựa chọn nguyên liệu, chế biến với số lượng lớn các món ăn dùng cho cả nhà và đãi khách trong những ngày tết. Thịt kho tàu, tôi thường làm vào 30 tết. Món này để càng lâu, hâm đi hâm lại nhiều lần thì thịt càng thấm, ăn càng đậm đà hương vị”./.
Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm, có bánh tét, bánh in, thịt kho tàu, dưa muối mới là có tết. Và ngày tết vui nhất chính là cả gia đình từ già đến trẻ đều tham gia chuẩn bị, làm cho không khí thật rộn ràng, náo nức. Có lẽ, đối với mọi gia đình Việt, ngày Tết Cổ truyền vẫn có một vị trí rất quan trọng. Bởi, tết là dịp để cả gia đình quây quần, sum họp sau một năm lao động vất vả. Đây còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị truyền thống của dân tộc, về quê hương, cội nguồn.
|
Hoàng Trà