Tiếng Việt | English

27/01/2017 - 22:40

Nhớ quê qua hương bánh tét

Bánh tét - loại bánh truyền thống không thể thiếu, trở thành nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu vào dịp xuân về ở Nam bộ. Gói bánh tét, ăn bánh tét trở thành phong tục ngày tết ở nơi đây.

“Chim kêu ba tiếng ngoài sông; mau lo lựa nếp hết đông tết về”. Lo lựa nếp ở đây là để gói bánh tét đón tết trước cúng ông bà, tổ tiên, kế biếu bà con lối xóm, sau cùng ăn trong ba ngày tết. Việc gói bánh phải chuẩn bị từ 27, 28 tết, quan trọng nhất là nếp và sau đó là mọi thứ cần thiết khác như lá chuối, dây lạt (bằng cọng lác) buộc bánh và các loại nguyên liệu khác để làm nhân bánh,...

Minh họa: HP

Sau khi gói xong, bánh được cột lại với nhau từng xâu 3-4 đòn để xếp vào nồi nấu bánh. Bánh chín, đem treo cho ráo nước. Tính toán chính xác thế nào đi nữa thì thế nào cũng dôi dư một ít nguyên vật liệu làm bánh và đó là để dành cho một chiếc (không phải đòn) bánh tét chuột nhỏ xíu mà mấy đứa con nít phụ việc vặt vãnh rất thích thú.

Sáng 30 cúng rước ông bà, bánh được cắt thành từng khoanh rồi đặt vào dĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn. Khi ăn cũng là dịp thưởng thức sự khéo léo của người nội trợ.

Ở Nam bộ, bánh tét thường được ăn chung với dưa kiệu, dưa món thì mới đúng điệu và không bị ngán. Bánh tét là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà, tổ tiên hay trên bàn ăn vào ba ngày tết của người dân đất phương Nam. Người ta nói, ẩm thực là kết quả của quá trình ứng xử với tự nhiên, là biểu hiện văn hóa của một vùng đất.

Trong nội hàm ấy, bánh tét tuy bình dị, mộc mạc nhưng từ hình thức như lá chuối xanh, nhân vàng gợi lên hình ảnh sắc màu của làng quê yên bình,... đến chất liệu gạo, nếp, đậu, thịt heo,... là sản phẩm lao động được tạo thành từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế với tâm thức hướng về đất trời, nguồn gốc tổ tiên, thấm đẫm triết lý nhân sinh. Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn là hình ảnh của khát vọng hướng đến một năm mới sung túc, một cuộc sống no đủ của người dân.

Nhìn bọn trẻ nôn nao trong những ngày chuẩn bị đón xuân mới, bao nhiêu ký ức tuổi thơ trong tôi lại tràn về chiếm lĩnh cả tâm trí. Dù bây giờ là một người chủ gia đình với bao công việc bộn bề cuối năm nhưng tôi vẫn mơ về những thời khắc của ngày xưa, lúc xuân về phụ mẹ gói bánh tét đón tết. Cuộc sống ngày càng hiện đại nên nghề gói bánh tét cũng được chuyên nghiệp hóa. Đám giỗ, tết đến, người ta không phải mất công gói bánh, nấu bánh mà đặt mua, hoặc cứ vào siêu thị là có tất cả. Bánh tét Mỹ Lệ, Cần Đước cũng có mặt trong hệ thống siêu thị Co.opMart và nhiều hệ thống siêu thị khác.

Nhưng cũng chính vì vậy mà có chút tiếc nuối khi bọn trẻ bây giờ làm gì có được cái cảm giác phụ bà và mẹ gói bánh tét với tâm trạng rộn ràng khi túm tụm nhau ngồi xung quanh nồi bánh tét với ánh lửa bập bùng cùng âm thanh tí tách của những cây củi tre, củi tràm, củi dừa,... trong sự háo hức mong chờ bánh chín được vớt ra khỏi nồi và cái hơi nóng tỏa ra như góp thêm chút ấm áp cho không gian xuân, mà cảm giác xuân như đang tràn ngập đến từng gia đình.

Cuộc sống hiện đại ít nhiều có sự đổi thay nhưng văn hào đương đại Trung Quốc - Lâm Ngữ Đường nói rằng “Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình còn nhỏ tuổi”. Xin mượn một câu chuyện nhỏ dưới đây thay cho lời kết thúc những suy nghĩ tản mạn của mình về phong tục ăn bánh tét và gói bánh tét ngày tết ở Nam bộ. Tôi có người chị họ là Việt kiều Mỹ nhiều năm chưa về thăm quê. Qua liên lạc, chị ấy cho biết, những ngày Tết Nguyên đán của người Việt bên ấy cũng có đủ mọi thứ như bên này. Nhưng Tết Bính Thân năm rồi, nhận được những hình ảnh qua email cảnh con gái tôi phụ bà nội gói bánh tét đón tết, chị ấy khóc và nói rằng, tết năm ấy, chị thấy nhớ quê nhà hơn bao giờ hết, bởi chị nhớ tết quê nhà qua hương vị bánh tét cổ truyền./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích