Tiếng Việt | English

10/02/2017 - 14:22

Mong ước năm sau lại được về quê ăn tết

Nhịp sống những ngày sau tết lại tất bật! Mọi người, nhất là những người tha hương lập nghiệp tiếp tục cuộc mưu sinh, dành dụm ít tiền để năm sau lại về vui tết với gia đình nơi quê nhà.


Chị Bùi Thị Kim Liên bán hủ tiếu gõ để trang trải cuộc sống

1. Nhìn những chậu cúc tết còn nguyên màu vàng trong dãy nhà trọ, anh Vương Văn Thanh, 43 tuổi, lại nhớ những ngày về quê đón tết vừa qua. Năm nào cũng vậy, cứ 20 tháng Chạp, gia đình nhỏ của anh lại chuẩn bị về quê vui xuân, đến mùng 8 mới trở vào Long An tiếp tục nghề mua phế liệu. Anh Thanh nói rằng: “Mấy năm trước, tôi không về quê vì tốn kém nhiều chi phí. Nhưng, đón tết xa quê buồn lắm nên những năm gần đây, tết năm nào, vợ chồng tôi cũng vun vén, sắp xếp về. Một năm mưu sinh xa nhà, tết về gặp lại người thân, họ hàng rất vui! Mỗi khi về, vợ chồng tôi mua vài gói bánh, ít gói trà làm quà tết biếu người thân”.

Quê anh Thanh ở tỉnh Quảng Ngãi. Ở đó, anh có một mái nhà và vài sào ruộng. Nhưng, cuộc sống ở quê khó khăn, làm ruộng không đủ sống nên 10 năm trước, gia đình anh vào Long An lập nghiệp. Vợ chồng anh chọn nghề mua phế liệu để trang trải cuộc sống, lo cho con đến trường. Hiện tại, vợ chồng anh thuê một căn phòng trọ nhỏ ở phường 2, TP.Tân An với giá 600.000 đồng/tháng để làm chỗ đi về sau một ngày lao động vất vả.

Mỗi ngày, 2 vợ chồng chia 2 ngả mưu sinh. Trên chiếc xe Honda cũ, anh Thanh đi khắp các ngả đường TP.Tân An, có khi chạy đến tận huyện Củ Chi, TP.HCM hay ngược xuống tỉnh Tiền Giang để mua phế liệu. Còn chị Trần Thị Thành (vợ anh Thanh), với chiếc xe đạp cũng đi mua phế liệu quanh TP.Tân An. “Dù đi đâu, buổi chiều, chồng tôi cũng trở về phòng trọ để 2 vợ chồng đưa phế liệu ra vựa bán. Mỗi ngày, 2 vợ chồng kiếm lời trên 200.000 đồng” - chị Thành chia sẻ. Số tiền này, 2 vợ chồng anh chị chi tiêu tiết kiệm và cố gắng dành dụm một ít để đến cuối năm có lộ phí về quê đón tết với người thân.


Sau tết, chị Trần Thị Thành lại vào Long An mưu sinh bằng nghề mua phế liệu

2. Cũng ở Quảng Ngãi, cách đây 4 năm, chị Bùi Thị Kim Liên rời quê vào Long An lập nghiệp. “Ở quê làm ăn khó khăn, không đủ nuôi 3 đứa con nên tôi quyết định kiếm sống xa nhà” - chị Liên nói. Chị thuê căn phòng trọ nhỏ ở tạm và kiếm sống bằng nghề bán hủ tiếu gõ ở chợ phường 2, TP.Tân An.

Từ ngày đến Long An, những ngày tết, chị vẫn ở lại buôn bán. “13 năm trước, vừa qua mấy ngày tết thì chồng tôi mất vì bệnh ung thư nên những năm mưu sinh ở đây, tôi chờ đến ngày giỗ chồng mới về quê. Thông thường mỗi năm, tôi về vào mùng 6 tháng Giêng và đến mùng 10 lại vô để tiếp tục cuộc mưu sinh xa nhà. Coi như mình đón tết muộn vậy! Mỗi lần về, tôi đến thăm ông bà, cha mẹ hai bên sau một năm xa quê. Thấy con làm ăn thuận lợi nên cha mẹ rất mừng. Chỉ mong năm mới sẽ mua may bán đắt để năm sau, tôi lại về với cha mẹ!” - chị Liên cho biết.

Để có điều kiện về quê trong ngày giỗ chồng và đón “tết muộn” hàng năm như mong ước, chị Liên miệt mài làm việc không ngại vất vả, khó khăn. 7 giờ sáng mỗi ngày, chị đi chợ và trở về phòng trọ nấu nướng, chuẩn bị đi bán hủ tiếu gõ. “Mỗi ngày, tôi bán từ 14 giờ đến tận 0 giờ. Khi trở về, chợp mắt chẳng được bao lâu thì trời sáng, phải tiếp tục chuẩn bị chuyện bán buôn. Vất vả lắm nhưng vì cuộc sống phải cố gắng!” - chị Liên tâm tình trong lúc đang bán hủ tiếu.

Cực khổ nhưng thành quả lao động nhận lại là xứng đáng. Theo chị Liên, mỗi tháng, chị kiếm lời trên 9 triệu đồng từ việc bán hủ tiếu gõ. Nếu trừ chi phí nhà trọ, đóng thuế và các khoản sinh hoạt phí, chị vẫn còn dư một số tiền. Vì vậy, mỗi lần về quê, chị đều mua sắm các vật dụng cho ngôi nhà riêng của mình. Với người xa xứ, ngày trở về mái nhà thân thuộc, được biếu quà người thân, được trang hoàng nhà cửa từ những đồng tiền mưu sinh chân chính là niềm hạnh phúc, động lực để họ tiếp tục lao động.

Ngoài những lao động tự do như anh Thanh, chị Liên, công nhân trong các công ty, doanh nghiệp cũng quay lại với công việc sau những ngày về quê đón tết. Em Nguyễn Thị Diễm My, quê ở tỉnh Khánh Hòa, đang làm việc tại Công ty TNHH MTV YSVINA ở huyện Đức Hòa bộc bạch: “Công ty bắt đầu làm lại từ mùng 5 tháng Giêng nên sau vài ngày vui tết ở quê, em khăn gói vào lại Long An. Năm mới, em cố gắng làm việc, tăng ca, để dành tiền đến tết năm sau lại về quê, lì xì cho cha mẹ và đứa em nhỏ”.

Mỗi người mỗi việc nhưng tất cả những người xa xứ đều chung một ước mơ trở về vui tết sum vầy cùng người thân chốn quê nhà. Vì vậy, dù dư âm ngày tết còn đọng lại nhưng họ đã tất bật bắt tay vào công việc với mong ước năm sau lại được về quê ăn tết./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết