Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 11:09

Đàm phán hạt nhân Iran kéo dài tới ngày 7/7

Ngay trước khi thời hạn chót ngày 30/6 để đạt được một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran sắp trôi qua, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã nhất trí kéo dài cuộc đàm phán đến ngày 7/7.

 

Ngày 29/6, tại thủ đô Vienna, Áo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ ba, trái) có cuộc gặp với Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano (thứ ba, phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này cho thấy các chuyên gia đàm phán hạt nhân đang nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc tranh cãi dai dẳng liên quan tới chương trình hạt nhân Iran, đồng thời cũng bộc lộ những khó khăn mới trong quá trình đàm phán.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết các bên đã nỗ lực hết sức song chưa thể tiến tới một thỏa thuận toàn diện thay thế cho thỏa thuận khung trước thời hạn chót đề ra ban đầu vào 24 giờ ngày 30/6 vì vẫn còn một số bất đồng.

Do đó, các nhà đàm phán đã nhất trí tạm thời kéo dài quá trình đàm phán tới ngày 7/7 để “có thêm thời gian thương lượng nhằm đạt được một giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân Iran”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm Iran cũng đã giảm qui mô kho nhiên liệu urani làm giàu ở cấp độ thấp của nước này xuống còn 7,6 tấn, phù hợp với qui định trong thỏa thuận mà Tehran ký tháng 11/2013.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cùng ngày thông báo IAEA dự kiến sẽ công bố một báo cáo để xác nhận động thái này của Iran, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đàm phán thúc đẩy thỏa thuận.

Trong khi đó, tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Nhóm P5+1 và Iran đã gặp những trở ngại mới khi các cường quốc thế giới, đặc biệt là Mỹ, cương quyết từ chối nhượng bộ thêm và yêu cầu Tehran phải tuân thủ những điều khoản trong thỏa thuận khung ký ngày 2/4 tại Lausanne, Thụy Sĩ, trong khi Iran tỏ ý muốn điều chỉnh lại một số điểm trong thỏa thuận này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Brazil Dilma Rousseff tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông chỉ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu như Washington có thể chắc chắn rằng thỏa thuận đó sẽ ngăn cản nước Cộng hòa Hồi giáo này tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Obama nêu rõ: “Tôi sẽ chấm dứt đàm phán nếu đó là một thỏa thuận tồi. Vấn đề tùy thuộc vào phía Iran”. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc hội đàm riêng rẽ với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, người vừa quay lại Vienne sau khi trở về Tehran để tham vấn lãnh đạo Iran. Ông Kerry không tiết lộ nội dung trao đổi của cuộc gặp, song khẳng định “chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả”.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Zarif cho hay sứ mệnh của ông là ký một thỏa thuận toàn diện trên cơ sở cả hai bên đều chấp nhận được. Đáp lại sự quan ngại của giới chức phương Tây rằng Iran đang muốn điều chỉnh hai điểm trong thỏa thuận khung, một liên quan tới vấn đề thanh sát các cơ sở hạt nhân và một liên quan tới cách thức Tehran thực hiện thỏa thuận trong năm đầu tiên sau khi ký, ông Zarif nêu rõ Iran “vẫn có thể sẽ ký thỏa thuận” trên cơ sở thỏa thuận khung đạt được tại Lausanne.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest trước đó khẳng định “nếu Iran không nhất trí rằng thỏa thuận cuối cùng phải nhất quán với thỏa thuận khung ký hồi tháng 4, thì sẽ không có một thỏa thuận nào nữa”.

Dự kiến, các đoàn đàm phán hạt nhân của Nhóm P5+1 và Iran sẽ tiếp tục thương lượng ngay khi các trưởng đoàn đàm phán quay lại Vienna (Áo) sau khi trở về nước tham vấn. Iran cũng cho thấy nỗ lực mới nhất của nước này để tiến tới thỏa thuận hạt nhân cuối cùng khi cử hai quan chức hàng đầu là em trai của Tổng thống Iran, ông Hasan Rouhani, và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tham gia đoàn đàm phán trong ngày 30/6.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng cuộc đàm phán có thể căng thẳng, song không có nghĩa là các bên sẽ không thể đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran./.

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ bài viết