Tiếng Việt | English

13/08/2022 - 09:45

Đằng sau những bản án liên quan đến ma túy

Ma túy là hiểm họa của toàn xã hội. Đã có biết bao gia đình tan nát vì ma túy và biết bao người lâm vào cảnh tù tội. Đằng sau những bản án liên quan đến ma túy là nỗi đau của nhiều gia đình. Cha mẹ họ phải sống trong mặc cảm, các con họ có đứa dở dang việc học, có đứa đi vào “vết xe đổ”. “Ma túy, đừng thử dù chỉ một lần” vẫn là lời cảnh tỉnh chưa bao giờ cũ, bởi hậu quả do ma túy để lại rất nặng nề...

Ở tuổi 60, bà Ái Mỹ mong mình có đủ sức khỏe để lo cho 2 đứa cháu nội, đợi ngày con trai mãn hạn tù

Ở tuổi 60, bà Ái Mỹ mong mình có đủ sức khỏe để lo cho 2 đứa cháu nội, đợi ngày con trai mãn hạn tù

Người mẹ và nỗi đau mang tên ma túy

Từng có một gia đình hạnh phúc nhưng rồi ma túy đã làm gia đình bà Hà Thị Ái Mỹ (ấp Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tan nát. Cả cuộc đời chắc bà không thể nào quên được ngày con trai lớn bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy. Ngày đó, nghe con nói đến TP.Tân An tìm việc làm, bà hết lòng ủng hộ và nhận phần chăm sóc 3 đứa cháu nội, nào ngờ con vướng vào ma túy.

Năm 2016, con trai bà bị tuyên án 8 năm tù giam, hiện chấp hành án tại Trại giam Thạnh Hòa. Ngày con trai chấp hành án tù, con dâu lặng lẽ mang theo đứa cháu nội nhỏ nhất bỏ đi, để lại cho bà 2 đứa cháu, khi đó đứa lớn chỉ mới 3 tuổi. Thương cháu nhưng bà không trách con dâu vì lỗi cũng do con trai mình. Những ngày đầu, bà không dám nhìn hàng xóm, láng giềng vì mặc cảm. Tội nhất là 2 đứa nhỏ, chúng chưa hiểu gì nhưng cứ theo hỏi “sao cha con đi tù?”. Bà từng có ý định bán nhà đến nơi khác sinh sống để cháu có cuộc sống tốt hơn nhưng căn nhà xiêu vẹo lúc đó bán chẳng được bao nhiêu, không thể tạo dựng cuộc sống mới nên bà đành ở lại, cố gắng vượt qua nỗi đau và sự mặc cảm.

Cuộc sống của 3 bà cháu chỉ trông vào xe hàng rong của bà. Mỗi ngày, bà làm mấy món bánh quê rồi dậy từ 3 giờ để chuẩn bị, đạp xe xuống TP.Tân An, rong ruổi đẩy xe bán bánh trên khắp các con hẻm. Cách đây 3 năm, bà bị tai biến, cuộc sống của 3 bà cháu càng khó khăn hơn. Với thu nhập ít ỏi từ việc bán bánh, bà dành dụm nuôi cháu và đều đặn đến trại giam thăm con.

Hàng ngày, 2 cháu T.A. và P.K. (cháu nội bà) tự chăm sóc nhau. Sáng, 2 anh em chở nhau đến trường, trưa về nhà ăn vội bữa cơm rồi lại đến trường. Bà vẫn mong mình có đủ tiền đóng tiền ăn cho cháu để buổi trưa T.A. và P.K. được ăn ở trường, không phải vất vả về nhà.

Nếu ngày trước con bà không vướng vào ma túy có lẽ mấy đứa cháu sẽ không chịu nhiều thiệt thòi như bây giờ và bà cũng không phải ray rứt vì đã không nuôi dạy con tốt hơn. 6 năm nay, bà Ái Mỹ không thôi tự trách mình đã không quan tâm, dạy bảo con để con trai vướng vào ma túy, các cháu phải chịu cảnh bơ vơ. Niềm mong mỏi lớn nhất của bà là ngày con hoàn lương, tu chí làm ăn để lo cho 2 đứa cháu nội.

Tan nát một gia đình

Nếu như bà Ái Mỹ còn nuôi hy vọng một ngày con trai mãn hạn tù làm lại cuộc đời thì bà P.A. gần như tuyệt vọng hoàn toàn, bởi gia đình đã tan nát vì ma túy. Quê ở Quảng Ngãi, chồng từng nghiện, mua bán ma túy bị án tù. Trở về, ông tái nghiện, sức khỏe suy yếu dần rồi mất, bà và 2 đứa con bỏ quê vào ở trọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Trước khi rời quê, con gái bà cũng nghiện ma túy. Những tưởng bài học từ người cha và sự thay đổi môi trường sống sẽ giúp con bà đoạn tuyệt với “cái chết trắng” nhưng ở Bến Lức được một thời gian, con bà lại móc nối vào đường dây mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong một lần sử dụng ma túy quá liều, con gái bà bị sốc thuốc và mất. Con trai bà cũng nghiện ma túy, sau cái chết của chị, nó bỏ đi biệt tích.

Hàng ngày, bà đi bán vé số quanh thị trấn Bến Lức và dò la tin tức của con. Nếu tìm được con trai, bà sẽ thuyết phục nó để 2 mẹ con quay về Quảng Ngãi. Bà không dám tin con mình sẽ cai nghiện được vì đã nhiều lần con vào trung tâm cai nghiện ra lại tái nghiện dù bà đã hết lời khuyên bảo. Với bà P.A., ma túy là cơn ác mộng đã làm tan nát cả gia đình. Trước đó, bà chưa bao giờ nghĩ các con mình lại vướng vào ma túy như thế, bởi gia đình làm nông, quanh năm chỉ bám nương rẫy, ít giao du với người ngoài lại càng không biết đến ma túy. Vậy mà, vài lần theo bạn bè, chồng bà trở thành con nghiện và các con lại đi vào “vết xe đổ” của cha.

Ma túy không trừ một ai, cả những người có đầy đủ kiến thức và hiểu biết về sự nguy hiểm của ma túy vẫn có thể vướng vào ma túy. Chọn ma túy là chọn sự tàn phá về thể chất và tinh thần. Hơn hết, đó còn là sự tan nát, khánh kiệt về kinh tế gia đình. Ma túy còn kéo theo các tệ nạn khác như đánh bạc, mại dâm, gây mất an ninh, trật tự. Những bài học về ma túy vẫn chưa bao giờ cũ. Đừng vì ma túy mà đánh đổi cả tương lai, sự nghiệp và gia đình./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết