Vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên (CBĐV) đã được đề cập trong nhiều năm qua. Và gần đây, trong các Nghị quyết Trung ương lần thứ XI, XII, XIII của Đảng có nhiều nội dung Đảng ta đề cập liên quan đến đạo đức của CBĐV các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
Ai cũng biết, đạo đức là nhân tố quan trọng nhất để điều chỉnh hành vi của CBĐV. Đạo đức, nhân cách khiến cho CBĐV, nhất là người đứng đầu các cấp sẽ thấy xót xa trước những công việc được chỉ đạo, điều hành kém hiệu quả; trước những số phận của người dân gặp khó khăn, nhất là hậu quả của đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm cho nhiều gia đình bị ly tán, nhiều trẻ em bị mồ côi,... để từ đó tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ, thậm chí có nhiều CBĐV sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng của mình vì lợi ích của tập thể, đất nước và nhân dân.
Đương nhiên, CBĐV làm tốt được như thế thì phải có đủ đức - tài và cái tâm trong sáng. Chúng ta chắc còn thuộc câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cũng chính là muốn đặt lên cán cân so sánh giữa yếu tố “đức” và “tài” của người cán bộ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, nếu CBĐV là cái gốc, cốt lõi của mọi công việc thì đạo đức của CBĐV, nhất là người đứng đầu có thể coi là cốt lõi của cốt lõi.
Võ Thanh Nghị