Tiếng Việt | English

16/06/2015 - 10:28

Đạo đức người làm báo

Đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống của người làm báo tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, gian nan và vất vả, nhưng đạo đức nghề nghiệp của họ vẫn luôn được đề cao, trong sáng.

Đạo đức đối với người làm báo rất quan trọng, bởi vì, mỗi nhà báo khi hành nghề bao giờ cũng cần phải đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu. Một bài viết có thể khiến sự việc tốt hơn lên, nhưng nếu không trung thực, bài viết cũng có thể làm sự việc xấu đi. Đạo đức của người làm báo không chỉ ở lòng vị tha, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội, mà còn là lòng say mê, tâm huyết. Chỉ có tâm huyết và đạo đức nghề nghiệp tốt mới trở thành động lực thúc đẩy người làm báo dấn thân vào những nơi khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm.

Do vậy, để làm tròn trách nhiệm, đòi hỏi mỗi nhà báo phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, có “dũng” để dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý, đấu tranh với sự bất công; dám chống tiêu cực thì không sợ phải chuốc lấy sự rủi ro, trả thù. Đồng thời, phải có “chính” để luôn trung thực, phản ánh khách quan, chân thực trong mỗi bài viết, mỗi sự việc. Có “liêm” để giữ cho mình luôn trong sạch trước những cám dỗ của vật chất, để tâm hồn luôn thanh thản khi cầm bút mà không bị sức ép của quyền lực và đồng tiền, không vì lợi nhuận mà uốn cong ngòi bút, bán rẻ đạo đức người làm báo. Bên cạnh đó, phải có “trung” để giữ lòng trung với nước, hiếu với dân, vì hạnh phúc của nhân dân, dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí để đấu tranh với cái xấu, khích lệ, động viên việc tốt với tất cả sự trung thành và tận tụy của người làm báo.

Ở giai đoạn nào cũng vậy, luôn đòi hỏi người làm báo phải có đạo đức tốt; bởi một khi tâm không sáng, lòng không trung thì ngòi bút sẽ không sắc; cho nên, đạo đức chính là điểm đến mà mỗi nhà báo phải vươn tới, để tạo nên chuẩn mực nghề nghiệp của mỗi nhà báo./.

Mỹ Hạnh
 

Chia sẻ bài viết