Tiếng Việt | English

20/12/2018 - 10:11

Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động

Theo nhu cầu thị trường lao động, các doanh nghiệp (DN) đang rất cần công nhân có tay nghề. Để đáp ứng nhu cầu trên, các cơ sở dạy nghề không chỉ nỗ lực thực hiện công tác tuyển sinh mà còn chú trọng chất lượng đào tạo, liên kết với các DN trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm.

Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu

Với mục tiêu lấy chất lượng đào tạo để khẳng định vị thế của học nghề, các cơ sở dạy nghề nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên (HSSV). Trong đó, các cơ sở dạy nghề chú trọng nghề trọng điểm, bổ sung trang thiết bị, máy móc, thay đổi ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên,...

Trường Cao đẳng Nghề Long An là một trong những cơ sở dạy nghề uy tín, chất lượng của tỉnh. Hiện trường có 5 nghề trọng điểm: Điện công nghiệp, lắp đặt thiết bị cơ khí (cấp độ quốc tế); cơ điện tử, hàn (cấp độ khu vực ASEAN); kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (cấp độ quốc gia). Với các nghề này, trường được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ việc dạy và học. Ngoài ra, HSSV còn được học theo chương trình đổi mới. Đặc biệt nghề cấp độ quốc tế, HSSV học theo chương trình đào tạo của Úc và Đức. Bằng tốt nghiệp có giá trị ứng với cấp độ của các ngành nghề mà HSSV theo học. Do vậy, HSSV có thể sử dụng bằng cấp của mình làm việc ở nước ngoài với các nghề cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực ASEAN.

Học sinh tham gia kiểm tra để đánh giá kết quả học tập, đặc biệt là khả năng thực hành

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long An - Phạm Văn Thịnh cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trường chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Trường có trên 50% giảng viên có trình độ sau đại học, 5 giảng viên từng tham gia tập huấn tại Đức và Hàn Quốc. Hàng năm, trường tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”. 

Cùng mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa) cũng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; chú trọng chất lượng mỗi tiết thực hành của HS, không chỉ giúp các em vận dụng lý thuyết mà còn luyện tập nhuần nhuyễn để nâng cao tay nghề.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: “Trường rất chú trọng chất lượng đào tạo và nhu cầu thị trường lao động. Trong quá trình học, HS được giáo viên hướng dẫn kỹ và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho thực hành bởi đây là phần quan trọng, chiếm 70% thời gian đào tạo. Ngoài ra, trường sẵn sàng bỏ những ngành không hiệu quả, không còn là nhu cầu của thị trường lao động để không làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng đào tạo của đơn vị”.

Đạo tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Trong quá trình đào tạo, các cơ sở dạy nghề cũng luôn gắn kết với DN. Theo đó, chương trình đào tạo của các cơ sở dạy nghề đều có sự đóng góp ý kiến của các DN trước khi áp dụng vào thực tế giảng dạy. Ngoài ra, cán bộ quản lý, giáo viên cũng tham gia đi thực tế tại các DN để học hỏi, cập nhật kiến thức mới.

Huyện Đức Hòa hiện có 10 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp và hơn 3.000 DN đang hoạt động. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi giúp Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa liên kết, hợp tác trong quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho HS. Mỗi chương trình dạy, trường đều nhờ DN lớn, có uy tín tham gia đóng góp, bổ sung để hoàn chỉnh. Ngoài ra, trường còn nhận phôi nguyên liệu của các DN cho HS thực hành. Nhờ vậy, HS vừa được thực hành, vừa hiểu được yêu cầu thực tế của DN.

“Hơn 20 năm đào tạo nghề, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa luôn chú trọng gắn kết với DN trong quá trình đào tạo. Mỗi HS được tham gia thực hành ít nhất 2 tháng tại DN. Nhờ vậy, các em có thể vận dụng kiến thức được học, bổ sung thêm kiến thức mới, học hỏi tác phong công nghiệp và nâng cao tay nghề” - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa còn liên kết với 3 DN uy tín, chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật. HS có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật có thể đi dễ dàng. Các em được hướng dẫn, tư vấn kỹ và học tiếng Nhật tại trường.

Học sinh được thực hành ngay sau học lý thuyết

Học sinh được thực hành ngay sau học lý thuyết

Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

Nhờ đào tạo gắn với DN và chú trọng chất lượng, các HSSV tốt nghiệp các trường nghề được DN quan tâm và tuyển dụng. Hàng năm, hầu hết các cơ sở dạy nghề đều tổ chức ngày hội việc làm để HSSV được tiếp cận trực tiếp các DN và có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Năm 2018, Trường Cao đẳng Nghề Long An tổ chức Ngày hội việc làm có sự tham gia của 29 DN và hơn 300 HSSV với nhiều vị trí tuyển dụng: Quản trị mạng máy tính, kế toán DN, cơ điện tử, điện công nghiệp,... Nhờ vậy, nhiều HSSV tìm được việc làm ưng ý ngay trong dịp này. Võ Phương Thảo, tốt nghiệp Cao đẳng ngành Kế toán DN, Trường Cao đẳng Nghề Long An, chia sẻ: “Tham gia ngày hội việc làm, em có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà tuyển dụng. Qua đó, em hiểu hơn về nhu cầu của các nhà tuyển dụng đối với các vị trí công việc khác nhau. Đây cũng là cơ hội giúp em nắm bắt công việc phù hợp với ngành học và sở trường của bản thân”.

Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa cũng thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Với lợi thế thuộc địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp và DN đang hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề là rất lớn. Hàng năm, trường nhận được rất nhiều yêu cầu ưu tiên tuyển dụng của các DN. Nhờ vậy, HS có sự lựa chọn DN tốt nhất và được nhận việc ngay sau tốt nghiệp.

Nguyễn Hoài Linh - HS ngành Kỹ thuật máy lạnh, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, thổ lộ: “Em vừa hoàn thành đợt thực tập tại Công ty TNHH TM - DV Cơ điện lạnh Bình Minh Én. Qua đó, em học hỏi được rất nhiều và tự tin về tay nghề của mình hơn. Công ty cũng hứa sẽ nhận em vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp và không cần qua thời gian thử việc”.

Nhờ những thay đổi tích cực của các cơ sở dạy nghề, HSSV được giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Điều đó chứng minh lao động có tay nghề thực sự là nhu cầu rất lớn của thị trường lao động hiện nay bởi các DN luôn mong muốn lực lượng lao động chất lượng và phải qua đào tạo./.

"Sự khác biệt giữa lao động không qua đào tạo nghề và lao động có tay nghề là rất lớn.

Lao động có tay nghề có vị trí việc làm vững chắc, đảm nhận công việc quan trọng - cần có kiến thức về chuyên môn. Họ được các doanh nghiệp trọng dụng và tăng lương vì là người trực tiếp quyết định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Lao động không qua đào tạo chỉ đảm nhận vị trí việc làm bất kỳ mà không cần kiến thức hay kinh nghiệm. Họ có khả năng bị sa thải cao khi công ty gặp biến cố. Đặc biệt, ở độ tuổi 35-40, nhiều công ty muốn sa thải họ để tuyển người mới nhằm giảm chi phí trả lương”.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết