Tiếng Việt | English

06/05/2017 - 14:47

Đào tạo nghề - “Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với người nghèo, tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Không có đất đai canh tác, nghề nghiệp không ổn định, chỉ biết đi làm thuê sống qua ngày,... là “mẫu số chung” của những hộ nghèo, cận nghèo.

Xác định đào tạo nghề là giải pháp quan trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An tập trung mở các lớp dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Năm 2016, sở tổ chức 192 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 5.009 học viên tham gia (đạt trên 100% kế hoạch). 

Năm 2016, huyện Cần Giuộc mở 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm cho người lao động

Huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với nước.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Võ Đình Xương nhận định: “Thực hiện Đề án 1956, năm 2016, phòng phối hợp mở 14 lớp dạy nghề với 420 học viên tham gia với các nghề: Kỹ thuật trồng hoa lan, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, nấu ăn, kỹ thuật trồng nấm bào ngư an toàn,... Sau khi học nghề, có 375 lao động tự tạo việc làm và 63 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, phòng còn mở một số lớp kỹ thuật trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Cần Giuộc còn 1.550 hộ nghèo, 1.854 hộ cận nghèo”.

Là hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn và được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia lớp kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, chị Lê Thị Tuyết Trinh, ở ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc có điều kiện phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.

Chị Trinh tâm sự: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, tôi có điều kiện lo cho các con ăn học. Hiện tại, tôi hoàn vốn cho ngân hàng và tiếp tục phát triển thêm đàn gà”.

Xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa luôn xác định, muốn xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới thì công tác giảm nghèo chính là mục tiêu quan trọng. Từ đó, xã chú trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm ổn định. Thời gian qua, Thủy Đông thành lập nhiều mô hình giảm nghèo bền vững: Đan giỏ, đan đệm, nuôi bò,...

Bà Phùng Thị Tăng, ở ấp Nước Trong, xã Thủy Đông chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên chủ yếu sống nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và hàng xóm. Thấy gia đình khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thủy Đông xây tặng tôi căn nhà tình thương và khuyến khích tôi tham gia lớp đan đệm. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi nhận hàng về gia công, có thu nhập ổn định. Đến nay, gia đình tôi thoát nghèo”.

Bà Phùng Thị Tăng có thu nhập ổn định nhờ nghề đan đệm

Dạy nghề là “chìa khóa” để mở lối cho giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn: Một số nghề được đào tạo chưa phù hợp với thực tế; khó vận động người dân tham gia học nghề, nhất là các nghề phi nông nghiệp,...

Để giải quyết những khó khăn trên, thiết nghĩ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm có những giải pháp căn cơ nhằm góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết