Tê nhức chân tay là chứng bệnh khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu bệnh kéo dài do không điều trị hoặc điều trị không tích cực sẽ gây ra các biến chứng như teo cơ, liệt cơ, khó đi lại, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Cần quan tâm hơn với những biểu hiện về tê nhức chân tayTuy nhiên, với những người bệnh vẫn còn rất chủ quan không quan tâm lắm vì cho rằng tê nhức chân tay là bệnh tất yếu phải đến do tuổi tác, lão hóa, hậu quả của các bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, huyết áp cao… nên cam chịu, chấp nhận sống chung với chứng bệnh này mà không tìm biện pháp khắc phục và cho rằng chỉ cần nằm nghỉ tại giường, xoa bóp các loại dầu nóng, cao dán giảm đau là khỏi mà ít khi phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị.
Bệnh thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có khi là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể và không cần điều trị, nhưng đa phần là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh khác nhau, từ bệnh lành tính dễ điều trị đến bệnh phức tạp, nguy hiểm đến tính mạng.
Thông thường, tê chân tay khởi phát rất nhẹ nhàng như tê các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích, dị cảm, kiến bò, tê buốt, chuột rút rất khó chịu.
Càng về sau, mức độ tê đau càng tăng, các ngón tay bị tê nhức, buốt nhiều hơn và đau lan dọc cánh tay, cẳng tay làm cho người bệnh khó cử động và những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện tương tự ở các ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông, vùng thắt lưng… Người bệnh có cảm giác rất khó chịu ở các đầu ngón tay, ngón chân, nhiều khi nửa đêm giật mình thức giấc, thấy tay hoặc chân như mất cảm giác, rồi lại có lúc như có kim châm, có kiến bò làm cho người bệnh bị mất ngủ.
Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây bệnh còn có các triệu chứng kèm theo như đau vai gáy, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống; đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; nếu do viêm đa dây thần kinh thì người bệnh bị liệt vận động; nếu do đái tháo đường thì người bệnh sẽ có thêm biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhiều.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, áp lực trong công việc, trong cuộc sống… và một số trường hợp sau:
- Ở người có thai, càng về cuối thai kỳ thì dấu hiệu của việc tê tay chân càng gia tăng vì khi đó thai phụ tăng cân, thai to chèn ép các mạch máu, làm cho việc tuần hoàn máu khó khăn khiến chân tay dễ bị tê mỏi. Mặt khác do thai phụ lười vận động, hoặc tay chân bị chèn ép khi ngủ, hoặc thực hiện một số tư thế đứng, ngồi xổm quá lâu… làm máu kém lưu thông dẫn đến việc tê tay chân.
- Mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông. Nguyên nhân là do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng ngồi xổm một chỗ với một tư thế quá lâu…
- Ảnh hưởng của thời tiết, những người có sức đề kháng suy giảm thì khi gặp trời lạnh, gây rối loạn cảm giác, tê bì.
- Cũng có thể tê chân tay là kết quả của tác dụng phụ khi dùng một số thuốc.
- Ở người bệnh đái tháo đường nếu việc điều trị, kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến biến chứng, người bệnh sẽ bị tê nhức cả chân và tay. Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ có rối loạn cảm giác ở hai chi dưới, bàn tay, làm cho người bệnh có cảm giác tê bì hoặc như kim châm.
Khi có biểu hiện tê chân tay thì người bệnh phải đến ngay bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh, đồng thời cần làm các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên của bệnh như bệnh đái tháo đường, thiếu vitamin, rối loạn chức năng gan, thận cũng như rối loạn chuyển hóa và dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh hoặc có thể chụp CT, chụp cộng hưởng từ… Ngoài ra, việc sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn của bác sĩ cũng sinh ra hiện tượng tê tay chân hoặc do tác dụng phụ của thuốc gây nên.
Để phòng ngừa bệnh tê tay chân cần thực hiện những biện pháp như sau:
- Tăng cường vận động cơ thể như tập thể dục, vận động cho cơ thể khỏe, tạo được chất đàn hồi tốt. Đối với người đã bị tê nhức chân tay có thể ngâm tay trong nước nóng có pha muối cho mạch máu nở ra, nắm bàn tay lại xoè mạnh thẳng bàn tay và cánh tay ra, dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại để giúp cho khí huyết lưu thông.
- Cần có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vi chất kịp thời, tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc, làm việc nhiều giờ trước máy vi tính hay gồi xổm quá lâu dẫn đến mạch máu khó lưu thông gây tê chân tay.
- Tránh hoặc hạn chế uống nhiều rượu, bia.
- Cần loại bỏ thói quen thuốc lá, vì hút thuốc làm siết lại nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh ngoại vi.
- Khi mùa đông giá rét có thể dùng túi chườm nóng ở tay chân để thư giãn toàn thân vì chườm nóng có tác dụng giảm đau, nhức.
Đặc biệt khi thấy hiện tượng tê chân tay ngày càng nặng, nhất là ở những người bị đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người bị tim mạch cần có chế độ khám sức khỏe định kỳ để kịp thời điều trị, phòng tránh biến chứng./.
Bs Hồ Văn Cưng