Tiếng Việt | English

22/11/2015 - 16:52

Đầu tư vào nông nghiệp thất bại nếu thiếu chiến lược bài bản

Chuyên gia nhận định doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải có cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm mới có khả năng tồn tại.

Đánh giá quá trình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Diễn đàn “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” ngày 21/11 tại TP HCM, chuyên gia Trần Hải Yến cho biết, thời gian qua số lượng các doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn, vẫn còn một số doanh nghiệp không đủ kiên nhẫn đã dẫn đến phải dừng quá trình đầu tư.

Theo đó, ngoài một số tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Vingroup, Thành Công Tây Ninh, Mía đường Biên Hòa, Tập đoàn Minh Phú, Công ty Cổ phần Hùng Vương… tương đối thành công với sự chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp, thị trường cũng chứng kiến một vài doanh nghiệp nhanh chóng rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp chỉ sau một thời gian ngắn.

Chuyên gia Trần Hải Yến đánh giá mức độ sàng lọc cao của các dự án đầu tư vào nông nghiệp. (Ảnh: Internet)

Điển hình như trường hợp của CTCP Gemadept đang có kế hoạch bán hết dự án trồng cây cao su sau 2 năm đầu tư vào lĩnh vực này. Theo bà Yến, năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000 ha và công ty cũng đã trồng được gần 8.000 ha cao su. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến cuối năm 2016 Gemadept mới có thể tiến hành khai thác mủ. Thời gian hoàn vốn dài trong khi lợi nhuận lại là ẩn số (giá cao su thế giới chưa biết khi nào mới phục hồi) là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này mất kiên nhẫn.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Liên doanh đầu tư Quốc tế cũng đã đột ngột rút hết 24,5% vốn khỏi Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I chỉ sau 5 tháng hai bên ký hợp đồng hợp tác chiến lược.

Cũng theo bà Yến, một vài công ty tài chính đã chuyển hướng vào nông nghiệp với mục đích thu lời ngắn hạn, nhưng diễn biến thực tế không thuận lợi nên các công ty này đã nhanh chóng rút ra. Điều này càng cho thấy mức độ sàng lọc cao của các dự án đầu tư vào nông nghiệp.

“Việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp, trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại trong khi các dự án nông nghiệp thường “chôn vốn” lâu. Chỉ những doanh nghiệp nào cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm vào lĩnh vực nông nghiệp mới có khả năng tồn tại trong giai đoạn khó khăn của thị trường nông sản hiện nay, cũng như chờ đợi cơ hội tăng trưởng trong tương lại khi giá thế giới phục hồi trở lại”, bà Yến nhận định./.

PV/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết