Tiếng Việt | English

04/01/2021 - 13:56

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý tham nhũng

Để công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt hiệu quả, tỉnh Long An có nhiều giải pháp quyết liệt như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm và chú trọng nêu cao vai trò của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị.

Một phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng

Một phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động. Trong đó, chú trọng công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, quản lý và sử dụng nhà ở, quản lý dự án đầu tư xây dựng, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân,...

Năm 2020, ngành chức năng trong tỉnh điều tra 5 vụ việc tham nhũng, liên quan đến 7 bị can; truy tố 5 vụ, 6 bị can; xét xử 5 vụ, 6 bị cáo. Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như vụ tham ô tài sản xảy ra tại Ban điều hành công trình nâng cấp Đường tỉnh 825 (huyện Đức Hòa); Nguyễn Văn Lơ (Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty Việt Dũng) tham ô tài sản số tiền gần 160 triệu đồng, bị xử 4 năm tù giam; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (huyện Cần Giuộc), bị can Nguyễn Văn Nhân sai phạm số tiền gần 65 triệu đồng; vụ giả mạo trong công tác tại Đội Nghiệp vụ số 5, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản; vụ giả mạo trong công tác tại UBND xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng); vụ Nguyễn Văn Đức, Trường THPT Thủ Thừa, tham ô tài sản số tiền 9 triệu đồng, bị xét xử 1 năm tù giam. Vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế, số tiền 28 triệu đồng gồm Trần Thị Ngọc Cúc - Phó phòng Đăng ký chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, bị tuyên 2 năm tù giam và Nguyễn Minh Phi - cán bộ Viện Vệ sinh y tế, 6 tháng tù giam;... So với cùng kỳ, số vụ việc tham nhũng và số tiền tham nhũng tăng (5/4 vụ; số tiền 223,950/ 147 triệu đồng).

Thời gian qua, cử tri cũng thường xuyên quan tâm, có nhiều kiến nghị với đại biểu Quốc hội, HĐND và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về công tác PCTN.

Ông Lê Minh Phương, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, cho rằng: “Các cấp, các ngành, chính quyền với MTTQ, đoàn thể, cơ quan tư pháp cần thường xuyên thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật các thông tin phản ánh, kiến nghị của báo, công dân, doanh nghiệp liên quan đến tiêu cực, tham nhũng”.

Liên quan đến công tác PCTN trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Các cấp, các ngành phải luôn quan tâm, thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan trong việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; việc chấp hành quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN; việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực.

Năm 2020, toàn tỉnh thanh tra trách nhiệm 8 cuộc việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 13 đơn vị. Qua thanh tra, kiến nghị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 1 tập thể và 25 cá nhân. Những hạn chế, sai phạm chủ yếu là xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng còn hình thức, chưa triển khai, thực hiện hiệu quả; chưa xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao,.../.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết