Hội chợ và triển lãm thương mại là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng
Hiệu quả khi đẩy mạnh xuất khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long, ước đạt 3,757 tỉ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2023. Đến nay, hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến 130 quốc gia, vùng lãnh thổ với sự tham gia của 900 DN; tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Hàn Quốc (14,2%), Hoa Kỳ (8%), Nhật Bản (6,25%), Singapore (4%); đồng thời, giữ vững thị trường truyền thống như Đài Loan (21,4%), Trung Quốc (11,9%), Hồng Kông (8%).
Kết quả trên xuất phát từ nỗ lực của Sở Công Thương phối hợp cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam trong việc thông tin tình hình, chính sách, pháp luật tại thị trường quốc tế đến các DN. Đồng thời, Sở Công Thương triển khai chương trình Khuyến công quốc gia, hỗ trợ DN cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, với tổng mức đầu tư lên đến 1,85 tỉ đồng; chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các DN.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Sở hỗ trợ hơn 300 lượt DN tham gia các sự kiện kết nối giao thương với các DN, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến. Sở còn vận động DN tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín, đến nay, có 68 gian hàng tham gia với 265 sản phẩm (tăng 34 gian hàng và 136 sản phẩm so với quí I/2024); hỗ trợ 5 DN phát triển gian hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín, xuyên biên giới như Alibaba.
Đối với những DN gặp khó khăn trong quá trình kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu, Sở Công Thương hỗ trợ kịp lúc, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng. Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin: “Thực hiện phương châm xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của các DN là thành công của tỉnh, Sở thường xuyên chia sẻ thông tin về thị trường, các hiệp định thương mại tự do, những thay đổi về chính sách, rào cản kỹ thuật trong thương mại,... đến cộng đồng DN để tận dụng tốt nhất cơ hội, lợi thế trong thương mại.
Đồng thời, Sở phối hợp chặt chẽ Hiệp hội DN rà soát các quy định của Trung ương, tỉnh để đề xuất, sửa đổi nhằm khơi thông các “điểm nghẽn”, thúc đẩy xuất khẩu”.
Thành lập vào năm 2004, Nông trang Hải Âu (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) là đơn vị tiên phong trồng chanh không hạt tại tỉnh. Hiện nông trang trồng và liên kết với nông dân trong, ngoài tỉnh với tổng diện tích canh tác 500ha, sản lượng ước tính hơn 14.000 tấn/năm. Sản phẩm chanh không hạt của Nông trang Hải Âu đang có mặt tại nhiều thị trường quốc tế như khu vực Trung Đông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc.
Chủ Nông trang Hải Âu - Nguyễn Hải Âu chia sẻ: “Tôi được Sở Công Thương động viên, hỗ trợ tham gia các hội chợ quốc tế, hội nghị xúc tiến thương mại. Thông qua những chương trình này, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. Sở còn chủ động liên hệ DN, đặc biệt là DN mới qua việc gửi thông tin về các chương trình, hỗ trợ kinh phí đặt gian hàng,...”.
Là một trong những cơ sở sản xuất chanh không hạt lớn ở huyện Bến Lức, Nông trang Hải Âu (ấp 7, xã Lương Hòa) thường xuyên tham gia các triển lãm thương mại, hội chợ về xuất khẩu để quảng bá nông sản Việt đến thị trường quốc tế
Thời gian tới, anh Hải Âu mong muốn mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo. Bên cạnh đó, anh cũng tiếp tục tham gia những chương trình, các buổi hội thảo do Sở Công Thương tổ chức để hiểu rõ đặc trưng của từng thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ,...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ giữ vững thị trường đối với các mặt hàng đã xuất khẩu; hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng; ưu tiên mời gọi đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu các nhóm hàng: Nông sản chế biến sâu, công nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao, đáp ứng xu thế sản xuất xanh, tiêu dùng xanh”.
Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng
|
Nâng tầm sản phẩm trên trường quốc tế
Để sản phẩm Việt thành công chinh phục thị trường quốc tế, các DN đều hiểu rõ yếu tố then chốt chính là chất lượng. Không chỉ chú trọng tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động kết nối giao thương, nhiều DN tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến máy móc, quy trình sản xuất, nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách hàng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với định hướng xuất khẩu, Công ty (Cty) TNHH Nông nghiệp Vaco (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Trong đó, các sản phẩm như đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc đông trùng, rượu đông trùng,... đều được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 22000:2018, ISO 9001.
Giám đốc Cty TNHH Nông nghiệp Vaco - Lê Xuân Diệu cho biết: “Cty chú trọng vào quy trình sản xuất khép kín. Từ khâu nghiên cứu, chọn giống, gieo trồng, thu hoạch đến chế biến, đóng gói đều được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống nhà xưởng được xây dựng hiện đại, trang bị các máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến từ Đức, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam”.
Đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Vaco (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại triển lãm thương mại
Một sản phẩm đạt hiệu quả trên thị trường cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là việc nghiên cứu, xác định đúng nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Hiểu được điều đó, anh Xuân Diệu thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm về kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu trong và ngoài nước để vừa tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng, quảng bá sản phẩm, vừa nắm bắt tâm lý mua hàng của người tiêu dùng.
Anh cũng thường xuyên mời chuyên gia từ Trường Đại học Công thương TP.HCM để tư vấn về cải tiến quy trình sản xuất, tìm ra hướng đi đúng cho sản phẩm đông trùng hạ thảo xuất khẩu.
Xác định 80% doanh thu của DN từ xuất khẩu, Cty Cổ phần Thực phẩm HG (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Hồ Triết Hưng, để có thể xuất khẩu sang các nước châu Âu, đòi hỏi quy trình trồng nghiêm ngặt, hạn chế xịt thuốc để tránh dư lượng chất hóa học trong trái. Vì vậy, Cty liên kết, hợp tác với các hợp tác xã nông sản trên địa bàn tỉnh để có được nguồn nguyên liệu như ý.
Thành lập từ năm 2019 đến nay, Cty xuất khẩu được nhiều sản phẩm: Thanh long, chuối, mít, xoài, thơm,... sấy giòn không dầu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Nhiều khách hàng ngoại quốc ưa thích do sản phẩm dùng công nghệ sấy thăng hoa, bảo đảm độ chua, ngọt tự nhiên.
Công đoạn sơ chế thanh long ruột đỏ của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa)
“Những thách thức hiện tại trên thị trường quốc tế đang đặt ra yêu cầu về phát triển xuất khẩu bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu đi liền với đa dạng hóa thị trường.
Song song đó, DN cần chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu” - ông Huỳnh Văn Quang Hùng nhận định./.
Hoàng Lan - Ngọc Hân