Hiện nay, đầu ra của trái thanh long vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những quy định mới
Còn nhiều khó khăn
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhưng việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt. Về sản xuất lúa đạt trên 505.000ha, sản lượng trên 2,8 triệu tấn. Diện tích rau các loại ước đạt trên 4.460ha; cây ăn quả trên 24.500ha; thủy sản trên 5.770ha;…Tuy nhiên, một số loại nông sản như thanh long, con tôm, khoai mì,… vẫn khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ do giá thành tăng, giá bán giảm và vướng nhiều quy định mới.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) hiện có khoảng 545 thành viên (trong đó 115 hộ thành viên chính thức), chia thành 19 tổ hợp tác, sản xuất 352ha. Toàn bộ thành viên đều ƯDCNC vào sản xuất, trong đó có 66ha đạt chuẩn VietGAP. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân - Phan Thanh Sơn cho biết: “Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, việc xuất khẩu thanh long được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với những quy định mới của Hải quan Trung Quốc, người trồng gần như bắt buộc phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và phải được cấp mã số vùng trồng. Điều này gây trở ngại cho những hộ sản xuất với quy mô nhỏ bởi phải sản xuất thanh long tối thiểu là 10ha mới đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng”.
Anh Lê Văn Cầu (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Với những quy định mới hiện nay, người trồng thanh long riêng lẻ với quy mô vài hecta như chúng tôi gần như bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng VietGAP và phải tham gia vào các HTX thì mới bán được thanh long. Điều này gây nhiều khó khăn cho nông dân vì không phải tại địa phương nào cũng có HTX”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thanh long hàng năm của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển vùng thanh long theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững và cung cấp theo đơn hàng.
Hiện nay, ngoài thanh long ruột trắng, Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng với thành phần dinh dưỡng cao. Thanh long Châu Thành cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm giá tôm giảm mạnh
Về con tôm, giá bán những ngày gần đây có tăng tuy nhiên số lượng tôm đủ tuổi xuất bán không nhiều. Nguyên nhân là do người dân lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tạm ngưng thả nuôi. Anh Lê Văn Ân (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: Những năm qua, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao thế nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là giá bán thấp và khó tiêu thụ. Anh Ân cho biết thêm: “Chưa năm nào người nuôi tôm gặp khó khăn như hiện nay, đầu vụ giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, cuối vụ thì thương lái chỉ thu mua cầm chừng và trả giá thấp. Hiện nay, giá tôm đã tăng trở lại nhưng tôi không có tôm để bán”. Được biết, anh Ân hiện đang nuôi 2 ao tôm thẻ gần 1ha, tôm cũng đã được hơn 40 ngày tuổi và đang phát triển tốt.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, toàn huyện hiện có trên 600ha tôm, trong đó phần lớn là tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình thả nuôi trên địa bàn huyện gặp khó khăn do xuất hiện nhiều loại bệnh trên tôm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm giá tôm giảm mạnh. Hiện người dân trên địa bàn huyện đang tập trung thả nuôi vụ mới để phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Người chăn nuôi đang thả tôm vụ mới nhưng vẫn còn lo ngại về giá cả
Nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản
Dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản nhưng Long An vẫn đang nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng nhiều giải pháp từ thương mại điện tử đến các hội nghị xúc tiến thương mại. Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: “Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp các doanh nghiệp bưu chính, trong đó phối hợp sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả đã có hơn 130 sản phẩm tiêu thụ với trên 150 tấn hàng hóa và gần 2.000 combo là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như khô cá lóc, thanh long ruột đỏ, tinh dầu tràm,... lên bán trên sàn Postmart. Đặc biệt vừa qua, Sở Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ hàng hóa vào chuỗi San Hà, Bưu điện tỉnh với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, HTX cũng đại diện lãnh đạo San Hà, Bưu điện tỉnh.
Tại đây, đại diện lãnh đạo San Hà cam kết sẽ bố trí miễn phí 50m2 trong các cửa hàng của San Hà để các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP sẽ được trưng bày. Bưu điện tỉnh sẽ hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, góp phần thúc đẩy phát triển “kinh tế số” nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến vào đầu tháng 12/2021, San Hà và Bưu điện chính thức phối hợp các đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp có các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP để đưa vào khu trưng bày sản phẩm đặt trưng của tỉnh trong chuỗi San Hà và lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.”
Thời gian qua, Sở Công Thương tổ chức rất nhiều Hội nghị Xúc tiến thương mại, nhằm giúp công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ tốt nông sản
Theo Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà việc bố trí miễn phí 50m2 cho các công ty, doanh nghiệp, HTX trưng bày sản phẩm trong các cửa hàng của San Hà không phải vì mục đích lợi nhuận mà San Hà làm chủ yếu hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp có các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí là thế giới. Khi được trưng bày các sản phẩm trong chuỗi San Hà, các công ty, doanh nghiệp, HTX còn học hỏi được cách kinh doanh, trang trí mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đây được xem là cơ hội tốt kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất, nhà cung cấp, với đơn vị phân phối, kinh doanh sản phẩm của địa phương trong chương trình OCOP và sản phẩm tiêu biểu khác. Qua đó, nhằm thúc đẩy sản xuất, hình thành chuỗi tiêu thụ hàng hóa ổn định, phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Kiến Bình (huyện Tân Thạnh) chuyên sản xuất gạo hữu cơ, gạo huyết rồng, tím, ST24, ST25,…Bình quân sản lượng 150-180 tấn/năm. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản lượng gạo của HTX bán rất chậm. Hơn hết, từ lâu, HTX muốn liên kết với San Hà nhưng chưa có cơ hội. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Kiến Bình - Dương Hoài Ân cho biết: “Được Sở Công Thương kết nối với San Hà, tôi rất mừng. Tiềm năng sản xuất gạo của HTX rất lớn nhưng không có đầu ra, từ đó HTX không dám liên kết với các nông dân. Nếu được trưng bày sản phẩm trong San Hà, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho thành viên HTX”.
Long An đang phát triển mạnh về công nghiệp nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Do đó việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19 là một trong những biện pháp giúp Long An phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Xác định được những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các cấp, các ngành đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Đồng thời, ngành cũng chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất trong nông dân để xem chỗ nào còn khó khăn, vướng mắc để kịp thời hỗ trợ, nhất là khâu tiêu thụ nông sản. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đồng thời để chuẩn bị nông sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Cổ truyền của dân tộc, ngành Nông nghiệp các cấp đang nỗ lực giúp nông dân tái sản xuất, bảo đảm hàng hóa phục vụ thị trường tết”./.
Lê Ngọc - Bùi Tùng