Tiếng Việt | English

24/11/2021 - 10:05

Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái “bình thường mới”.

Từng bước khôi phục sản xuất

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại các tỉnh, thành phía Nam, các địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, làm đứt gãy và thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa. Song, từ khi Long An kiểm soát được dịch bệnh và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã công bố cấp độ Covid-19 trên địa bàn tỉnh, từng bước thiết lập trạng thái “bình thường mới”.

Hiện nay, người nuôi tôm chủ động thả nuôi tôm vụ mới nhưng vẫn còn e ngại về giá cả

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Trước đây, các loại nông sản chủ yếu được thương lái đến tận vườn thu mua nhưng do tình hình dịch bệnh, thương lái không thu mua hoặc thu mua rất chậm, nông sản đến thời điểm thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra. T

heo đó, từ giữa tháng 8 đến tháng 9/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên diện tích trồng rau giảm mạnh, chỉ còn trên 900ha; đồng thời, có hơn 100 tấn tôm, trên 64.700 con gia cầm bị tồn ứ. Còn từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chợ, nhà máy chế biến, khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại nên sức mua tăng, giá các loại nông sản ổn định hơn, từ đó, nông dân chủ động thả tôm vụ mới và xuống giống vụ rau chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Kết quả, đến nay, diện tích trồng rau trên 1.400ha, sản lượng rau tháng 10 đạt trên 123.000 tấn, đạt 83,7% kế hoạch; gần 100% diện tích nuôi tôm sau khi thu hoạch đều thả tôm vụ mới”.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, gia đình ông Dương Thanh Quang, ngụ xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, phải kéo dài vụ tôm đến 4 tháng, vì không có thương lái đến thu mua hoặc thu mua với giá rất thấp. Thời điểm đó, ông chỉ cho tôm ăn cầm chừng để chờ giá tăng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái “bình thường mới”, giá tôm ổn định (tôm sú cỡ 40 - 50 con/kg từ 150.000 - 190.000 đồng/kg), gia đình ông tiến hành vệ sinh ao nuôi và thả tôm vụ mới.

Nông dân chủ động xuống giống rau phục vụ thị trường tết

Công ty (Cty) TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất của khu vực miền Nam. Chỉ tính riêng vụ Hè Thu năm 2021, Cty liên kết sản xuất, tiêu thụ với Long An hơn 8.000ha lúa, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng Tháp Mười. Dự kiến, vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022, Cty tiếp tục ký kết hợp tác với Long An khoảng 10.000ha.

Anh Trương Văn Đây (Cty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời) cho biết: “Từ khi Long An triển khai, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Cty đã triển khai được nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật hay cùng nông dân thăm đồng cũng như vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất với Cty. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty gần như trở lại bình thường”.

Vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ

Bên cạnh những kết quả đã đạt, hiện nay, việc tiêu thụ một số loại nông sản vẫn còn gặp khó khăn, như khoai mì, chanh,... Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, trong tuần qua, tỉnh có khoảng 120 tấn chanh không hạt ở huyện Bến Lức và trên 2.800 tấn khoai mì ở huyện Thủ Thừa và Bến Lức còn tồn ứ.

Nông sản tồn đọng trong nông dân chủ yếu là khoai mì

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ cho biết: “Diện tích khoai mì của huyện tập trung chủ yếu ở các xã Bình Đức, Lương Hòa, Tân Hòa,... Hiện nay, có 90ha khoai mì đến giai đoạn thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến thu mua. Trước đây, thị trường tiêu thụ khoai mì chủ yếu ở Tây Ninh, Đồng Nai, TP.HCM,... Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại những địa phương này nên thương lái không thu mua”.

Ông Lê Minh Thiện (ấp 4, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) nghẹn ngào: “Gia đình tôi trồng 4ha khoai mì đang bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Khoai đến lứa mà không thu hoạch thì chỉ có đốn bỏ chứ thương lái không mua vì củ to, không có tinh bột. Trước đây, gia đình tôi trồng mía, sau đó thua lỗ nên chuyển sang trồng khoai mì, nay lại gặp trường hợp tương tự như cây mía”.

Hiện nay, các chợ hoạt động lại nên việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi hơn

Nông sản tiêu thụ chậm trong khi giá thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng nên nhiều nông dân e ngại trong việc tái sản xuất. Đơn cử như giá một số loại phân bón chủ lực cho cây lúa: NPK, DAP, Urê tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2020. Hiện phân DAP có giá 1,2 triệu đồng/bao, Urê 840.000 đồng/bao, NPK 870.000 đồng/bao, Kali 515.000 đồng/bao,... Giá thức ăn, vật tư nông nghiệp tăng làm cho chi phí đầu vào của nông dân tăng, điều này đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc bình ổn giá và chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Ông Tạ Tấn Thành, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi thả nuôi 3 ao tôm, với diện tích khoảng 3.000m2. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đồng thời, giá thức ăn tăng nên tôi chỉ thả tôm nuôi 2 ao. Số con ít hơn nhưng chi phí đầu tư vẫn bằng với 3 ao tôm. Tôi mong các cấp, các ngành có biện pháp bình ổn giá thức ăn, phân, thuốc,... để nông dân an tâm sản xuất”.

Có thể thấy, tỉnh đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, sản xuất nông sản cùng với chi phí đầu vào tăng,... nên một số nông dân chưa mạnh dạn tái sản xuất 100%. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Việc tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch, vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tỉnh, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Song song đó, Sở NN&PTNT tiếp tục nắm bắt những khó khăn của nông dân, chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch phù hợp trong tình hình mới bảo đảm thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, dự báo để người dân chủ động trong phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bảo đảm sản xuất hiệu quả./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết