Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chủ trì tại điểm cầu Long An
Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, khám, chữa bệnh và công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong y tế góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sử dụng tiền mặt trong cộng đồng xã hội. Bởi, trong 100% dân số Việt Nam là đối tượng được chăm sóc sức khỏe của y tế thì 75% là người dân (trên 15 tuổi) đủ điều kiện có tài khoản ngân hàng và tham gia thực hiện các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt trong xã hội.
Việc triển khai thành công thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng các phương thức điện tử, tích hợp các giải pháp công nghệ thông tin tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử,…) góp phần nâng cao chất lượng, sự hài lòng trong công tác khám, chữa bệnh; thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đến nay, toàn ngành y tế có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng các phương thức điện tử góp phần giảm quá tải, giúp người dân rút ngắn được thời gian khám bệnh
Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán; tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đơn vị trong toàn ngành quán triệt về ý nghĩa, lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và chỉ đạo triển khai quyết liệt; các đơn vị phải có kế hoạch, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp phù hợp; các bệnh viện, cơ sở đào tạo y dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân./.
Huỳnh Hương