Tiếng Việt | English

24/04/2020 - 14:31

ĐBSCL chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Tại ĐBSCL, người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ để áp dụng vào sản xuất.

Những ngày này, người dân vùng Châu thổ Cửu long sống trong không khí hân hoan của những ngày tháng 4 lịch sử. Trong niềm vui, tự hào đất nước thống nhất, vươn lên sau 45 năm giải phóng, còn có niềm kiêu hãnh về sự phát triển vượt bậc của thế mạnh sản xuất nông nghiệp mà lúa gạo là khâu đột phá.

Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ĐBSCL đã và đang góp phần cùng cả nước tạo nên bước chuyển vững chắc.

Áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản  xuất

Chiếc drone (thiết bị bay không người lái) mang theo dưới bụng bình phân bón, bay trên cánh đồng lúa đã dần trở nên quen thuộc với nông dân vùng Châu thổ. Việc sử dụng drone để phun phân, thuốc trừ sâu đang được nhiều nông dân “vựa lúa” quan tâm.


Dùng Drone giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Huỳnh Thanh Tòng, xã Phú Cường, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bám với cây lúa đã vài chục năm qua cho biết: "Đây cũng chính là xu hướng tất yếu khi tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô cánh đồng lớn".

"Trước giờ phun thuốc tôi phun bằng biện pháp thủ công, phun bằng bình gập. Tiến bộ hơn thì dùng máy phun bằng động cơ. Nếu phun thuốc bằng thiết bị điều khiển này thì tôi nghĩ sẽ tốt hơn nhiều so với phun thủ công. Thủ công thì con người mình tiếp xúc với thuốc nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe" - ông Tòng chia sẻ.

45 năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Bắc - Nam nối liền một dải, kỳ tích hạt gạo ĐBSCL đã đưa nước ta từ một nước thiếu đói ở thập niên 80 của thế kỷ trước nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo.
Những thành công này không chỉ góp phần quan trọng ổn định xã hội, tạo nền tảng vững chắc phát triển nông nghiệp - nông thôn mà còn “cứu nguy” nền kinh tế đất nước; là “trụ đỡ” trong những giai đoạn khó khăn. Nếu như năm 1975, toàn vùng canh tác chỉ hơn 2 triệu ha lúa, tổng sản lượng chỉ hơn 5 triệu tấn, sau gần 45 năm, diện tích gieo trồng lúa tăng lên khoảng 4,3 triệu ha, đạt sản lượng gần 25 triệu tấn.


Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư tỉnh ủy An Giang – một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất lúa tại ĐBSCL nêu rõ, ÐBSCL có sản lượng lúa tăng nhanh dựa cả vào hai yếu tố - tăng diện tích và năng suất. Nhờ chủ trương đầu tư khai hoang, làm thủy lợi, tiêu úng xổ phèn, cải tạo đất... của Trung ương, đã biến hàng trăm nghìn ha đất hoang hóa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... chỉ làm một vụ lúa nổi bấp bênh thành những vùng đất lúa hai vụ, ba vụ.

Theo bà Xuân: "Tỉnh ủy luôn trăn trở để tìm ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp. Tập trung để nông nghiệp chuyển biến theo hướng tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Từ đó, tạo ra các mô hình nông nghiệp có hiệu quả như sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn; gắn kết bước đầu doanh nghiệp – nông dân – nhà khoa học".

Công cuộc “đổi mới” giúp đất nước phát triển, hội nhập. Trong đó tại ĐBSCL, người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ. Đặc biệt gần đây, chủ trương liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước áp lực từ biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu chuyển đổi kinh tế nông nghiệp của vùng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Lĩnh vực nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề thu nhập cho nông dân, mà còn thúc đẩy phát triển cả nền kinh tế đất nước. Trên thực tế, chuyển đổi nông nghiệp của khu vực này đã diễn ra suốt một thời gian khá dài với các chủ trương, quyết sách lớn từ Chính phủ, Bộ ngành.


Mùa vàng Châu thổ Cửu Long.

Là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của cả nước, ĐBSCL được xem như điểm nhấn đột phá trong công cuộc phát triển.

Đồng Tháp - một trong những địa phương vùng Đồng Tháp Mười có thế mạnh sản xuất nông nghiệp đã đi đầu trong việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, nếu có một chiến lược tương đối bài bản, căn cơ, có tầm nhìn thì sẽ giảm thiểu đi những rủi ro của các ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp đầy lợi thế của ĐBSCL.

"Sự bất trắc của thị trường nhiều khi bản chất của câu chuyện mà chúng ta hay nói là về giá cả đầu ra là đầu ra chúng ta không quyết định được thì chúng ta phải quyết định được đầu vào, đó là chi phí sản xuất, là chất lượng sản phẩm.

Bản thân 2 vấn đề này là chiến lược của lúa gạo cũng như những ngành hàng nông sản khác. Làm sao giảm chi phí xuống, làm sao nâng chất lượng lên. Tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết, để triển khai được nghị quyết 120 của Chính phủ thì chúng ta cần một chiến lược cho từng ngành hàng nông sản" - ông Lê Minh Hoan chỉ rõ.

Nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo gặt hái thành công, trở thành bệ đỡ vững cho nền kinh tế vượt qua khó khăn thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, có thể xem trận hạn mặn lịch sử năm nay là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Thực tế cho thấy, hạn mặn năm nay diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có Chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn, nên thiệt hại thấp hơn rất nhiều so với năm 2016.

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, làm gián đoạn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bức tranh xám màu ấy, sản xuất vụ lúa đông xuân ĐBSCL thắng lợi; đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia; đồng thời dành dư lượng cho xuất khẩu.

Thay đổi tư duy càng sớm càng tốt

Trong bối cảnh mới, thách thức mới trước những tác động bất lợi, tư duy thích ứng "thuận thiên" cần đựợc nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành; nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

GS. TS Tăng Đức Thắng, ủy viên hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu phân tích: “Hiện nay, chúng ta thiên về giải pháp công trình để hạn chế hơn là chấp nhận nó. Cái này cần phải điều chỉnh. Xu hướng bây giờ là phải thích ứng và giảm thiểu. Thiên nhiên không thể chống được.”.


Thu hoạch lúa vùng Tứ giác Long Xuyên.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp khu vực này trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Những đóng góp vừa qua của vùng Châu thổ đối với nền nông nghiệp, đất nước là rất đáng kể. Đây chính là một trong những yếu tố góp phần giúp thực hiện được an ninh lương thực.
Tuy nhiên, hiện nay có những tác động rất lớn, tổn thương đến vùng đồng bằng. Trước tình hình đó, Bộ cùng các ngành, địa phương tập trung 3 nhóm vấn đề. Một là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng, khai thác những lợi thế tạo ra từ những biến động này. Thứ hai, quy luật dòng chảy, gây nên sạt lở cả khu vực bờ sông, bờ kênh, cả khu vực bờ biển. Thứ ba, trước tình hình tái cơ cấu xoay trục như vậy, thì một trong những giải pháp đi kèm đó là biện pháp thủy lợi thích ứng".

Trong bối cảnh mới, thách thức mới của quá trình hội nhập và tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức; sẵn sàng năng lực ứng phó, năng lực chuyển đổi của cả hệ thống chính trị và người dân trước những tác động bất lợi, thiên tai, dịch bệnh. Từ đó, vùng Châu thổ Cửu Long tạo sự bứt phá trong lĩnh vực nông nghiệp; khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế; góp sức cùng đất nước vượt qua khó khăn, thách thức./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Máy giá đỗ Công nghệ bền vững