Tiếng Việt | English

09/09/2019 - 10:07

Long An: Hội đủ các yếu tố để phát triển khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp thông minh

UBND tỉnh Long An vừa phối hợp Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức chương trình tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm cùng đoàn chuyên gia và nhà đầu tư Hàn Quốc hướng tới phát triển khu đô thị (KĐT) nông nghiệp - công nghiệp thông minh. Dự tọa đàm có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hội đủ các yếu tố

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, lãnh đạo tỉnh chia sẻ về thực trạng, tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, Long An đã thực hiện quy hoạch khu vực Bắc Bến Lức với tổng diện tích khoảng 18.981ha. Mục đích quy hoạch này nhằm tạo được một khu phức hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương của khu vực Bắc Bến Lức; đồng thời, có tính hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Đặc biệt hơn, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cùng các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế đến từ Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi hoạch định chiến lược cải cách thành phố Seoul. Từ thực tế này, các chuyên gia, nhà đầu tư đã tham vấn, đề xuất đến lãnh đạo tỉnh về mô hình, những giải pháp quy hoạch, kiến trúc và công nghệ để vận hành các KĐT nông nghiệp - công nghiệp thông minh diện tích 10.000ha tại tỉnh. Các giải pháp tài chính phục vụ việc phát triển thành phố thông minh cũng được đề xuất.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh (thứ 3, trái qua) trao đổi với chuyên gia, nhà đầu tư ý tưởng phát triển Khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp thông minh tỉnh Long An

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh (thứ 3, trái qua) trao đổi với chuyên gia, nhà đầu tư ý tưởng phát triển Khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp thông minh tỉnh Long An

Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ - Lê Thành cho rằng, Long An có vị trí khá chiến lược, tiếp giáp TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển hài hòa cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Vì vậy, Long An nên thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn, thu hút ngành du lịch, phát triển đô thị và công nghiệp nhằm tạo bước nhảy vọt thành đô thị tăng trưởng hơn. Đặc biệt, hiện nay, mực nước biển đang dâng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng nặng nề và Long An sẽ đón làn sóng di dân trong tương lai. Vì vậy, phát triển đô thị thông minh là phù hợp.

Trong phát triển đô thị nông nghiệp - công nghiệp thông minh, chuyên gia, nhà đầu tư đề xuất Long An phát triển loại hình đô thị thông minh và sạch dựa trên nông trại thông minh. Các mô hình được đề xuất như đô thị nông nghiệp tiên tiến quy mô lớn về nông trại, chăn nuôi thông minh; đô thị hỗ trợ nông nghiệp thông minh thông qua công nghệ thông minh; khu công nghiệp liên quan đến nông trại thông minh, chế biến sản phẩm hữu cơ, cơ sở đào tạo ngành nông nghiệp - chăn nuôi. Ngoài ra, trong khu vực 10.000ha cần thực hiện hồ kênh đào, có thể sử dụng như một sản phẩm du lịch; đồng thời, giải quyết nước tưới cho sản phẩm trồng trọt nông nghiệp.Điện năng lượng mặt trời cũng được nhà đầu tư đề xuất thực hiện nhằm cung cấp điện cho đô thị và sản xuất công nghiệp.

Kết nối tuyệt vời

Ông Lê Thành cho rằng, Long An hội đủ các yếu tố để phát triển KĐT nông nghiệp - công nghiệp thông minh. Khi Long An xây dựng được dự án KĐT nông nghiệp - công nghiệp thông minh sẽ phản ánh rõ nét xu hướng toàn cầu hóa và kết nối tuyệt vời với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Để làm được dự án này, phải có sự đồng thuận giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, người dân trong vùng và chuyên gia, nhà đầu tư. Kết quả của dự án này hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất nông nghiệp với việc thực hiện nông trại thông minh, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân thông qua công nghệ thu hoạch tiên tiến (phục vụ xuất khẩu nông sản tươi), hàng loạt các nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch. Qua đó, đóng góp cho nền kinh tế thông qua xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, có thể tạo sản phẩm du lịch quy mô lớn bằng việc kết hợp nông nghiệp sạch.Điểm đặc biệt cho nền nông nghiệp trong tương lai là phát triển các giống mới như hạt giống, cây giống nhân giống thông qua R&D.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần ghi nhận những góp ý từ các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trong việc đưa lên ý tưởng phát triển KĐT nông nghiệp - công nghiệp thông minh tỉnh Long An. Đây là một khởi đầu tốt đẹp cho định hướng đột phá phát triển KT-XH của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đặt ra; tiền đề cho Long An xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh mong Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cá nhân ông Lê Thành, các chuyên gia, nhà đầu tư Hàn Quốc hỗ trợ, phối hợp phát triển các ý tưởng thành các quy hoạch, dự án thật sự. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, để phát triển KT-XH của tỉnh nhanh và bền vững, rất cần các mô hình mới, động lực mới cho giai đoạn mới, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Ý tưởng đề xuất của chuyên gia, nhà đầu tư về phát triển KĐT nông nghiệp - công nghiệp thông minh hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp cho nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển mới của tỉnh. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh là tìm được nhà đầu tư thật tâm huyết với dự án, tập trung nguồn lực tối đa để dự án được triển khai và hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan đến lãnh đạo địa phương có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật./.

"Ý tưởng đề xuất của chuyên gia, nhà đầu tư về phát triển khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp thông minh hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp cho nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển mới của tỉnh. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh là tìm được nhà đầu tư thật tâm huyết với dự án, tập trung nguồn lực tối đa để dự án được triển khai và hoàn thành trong thời gian sớm nhất”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích