Nhiều địa phương đã thu hoạch lúa Đông Xuân sớm
Bắt đầu thu hoạch
Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 203.929ha lúa ĐX 2019-2020, đạt 89,7% kế hoạch (227.260ha), bằng 108% so cùng kỳ. Hiện một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa ĐX sớm. Tại huyện Tân Hưng, nông dân xuống giống gần 37.000ha (đạt kế hoạch), trong đó có 500ha đang trong giai đoạn mạ, trên 8.000ha giai đoạn đẻ nhánh, 6.600ha giai đoạn đòng trổ và gần 2.000ha giai đoạn trổ chín, còn lại là những diện tích mới gieo sạ. Đối với diện tích gieo sạ sớm, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch trên 50ha, năng suất bình quân từ 5,5-6 tấn/ha, lợi nhuận từ 8-12 triệu đồng/ha. Số diện tích còn lại, hầu hết đều đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, một số ít đang trong giai đoạn trổ chín, nông dân đang tích cực chăm sóc để có vụ mùa bội thu.
Ông Nguyễn Văn Dung (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng) đang bơm đưa nước vào ruộng để bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ông cho biết: “Đám này gieo sạ được 50 ngày, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cây lúa đang thời kỳ cuối đẻ nhánh và bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng nên tôi bón NPK tổng hợp và urê bón thúc đợt 3 cho hơn 2ha lúa để giúp cây cứng, phát triển tốt. Hy vọng năm nay, lúa trúng mùa, được giá”.
“Tuy nhiên, hiện trên đồng ruộng xuất hiện bệnh đạo ôn lá, rầy nâu và chuột gây hại nên nông dân cần đặc biệt quan tâm” - ông Dung nói thêm. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng, hiện trên địa bàn huyện có hàng chục hécta lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng bị chuột cắn phá với mật độ nhẹ, tập trung chủ yếu ở xã: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B. Cá biệt, có một số diện tích nằm ở khu vực gò cao gần chân đường bị chuột cắn phá nặng, làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa khi thu hoạch. Anh Trần Minh Anh (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Những ngày qua, tôi phát hiện diện tích lúa của gia đình đang bị chuột cắn phá nên mua thuốc về diệt chuột. Nhờ phát hiện sớm và diệt chuột hiệu quả nên lúa ít bị hư hại. Tôi thấy xung quanh có nhiều ruộng lúa bị chuột phá nhiều lắm! Năm nay, cánh đồng nào cũng có chuột phá nhiều, vì thế bà con cần chủ động chăm sóc tốt để tránh thiệt hại”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, ngày nắng, đêm lạnh, đây là điều kiện thuận lợi để sâu năn sinh trưởng, phát triển và gây hại. Vì thế, nông dân cần chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự gây hại, góp phần bảo đảm năng suất đến cuối vụ. Đồng thời, để hạn chế sự gây hại của chuột phá hại mùa màng, nông dân cần chủ động dùng các biện pháp thủ công và hóa học để tiêu diệt, nhất là vào thời điểm lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trổ, nhằm bảo đảm năng suất đến cuối vụ”.
Nhiều địa phương đã thu hoạch lúa Đông Xuân sớm
Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân xuống giống vụ ĐX 2019-2020 hơn 28.300ha và đang tập trung chăm sóc để chủ động phòng, chống dịch bệnh những ngày cận tết. Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Út (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) gieo sạ 3ha lúa. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh nên bà thường ra đồng thăm ruộng, làm cỏ, xem kỹ từng vạt lúa, kiểm tra tình hình sâu, bệnh. Theo bà Út, những ngày qua, lúa có xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại như sâu keo, sâu cuốn lá nhưng gia đình đã kịp thời phun thuốc trừ sâu nên đến giờ cây lúa đang sinh trưởng tốt. Hiện bà đang bón phân NPK để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển, đạt năng suất cao. “Theo kinh nghiệm của nhà nông chúng tôi, giai đoạn làm đòng đẻ nhánh là giai đoạn quan trọng và quyết định năng suất cây lúa. Do đó, dù bận rộn trong những ngày cận tết nhưng chúng tôi ai cũng tranh thủ thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh để bón phân, chăm sóc đúng thời điểm giúp cây lúa phát triển khỏe” - bà Út cho biết thêm.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, hiện trên một số cánh đồng của huyện đã xuất hiện vài loại sâu, bệnh hại lúa. Các cơ quan chuyên môn và nông dân trong huyện đang tích cực bám sát đồng ruộng, chủ động phòng, trừ sâu, bệnh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp luôn tập trung phối hợp chỉ đạo tuyên truyền người dân trong sản xuất lúa. Ở thời điểm này, cây lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Đây là thời kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến năng suất của cây lúa. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo các xã tổ chức điều tiết, phân bổ nguồn nước hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng; mặt khác, hướng dẫn nông dân bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và chủ động phòng trừ dịch hại trên cây lúa.
Nông dân tập trung chăm sóc lúa Đông Xuân 2019-2020 để có vụ mùa bội thu
Để vụ lúa Đông Xuân hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để vụ ĐX 2019-2020 sản xuất hiệu quả, trước mùa vụ, ngành nông nghiệp đã xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống chung của tỉnh thông báo cho các địa phương để chỉ đạo sản xuất; tổ chức đồng loạt ra quân phòng trừ chuột và sâu, bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất ĐX; kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với các hợp tác xã sản xuất lúa giống và liên kết cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế để nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế rủi ro do thời tiết, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay, địa phương tập trung chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa Thu Đông 2019 bảo đảm hiệu quả, đạt kế hoạch sản xuất lúa năm 2019; hướng dẫn nông dân các biện pháp vệ sinh đồng ruộng để cắt nguồn sâu, bệnh, tăng cường công tác điều tra, theo dõi sinh vật gây hại để chăm sóc tốt lúa ĐX 2019-2020 đã gieo sạ. Đồng thời, chuẩn bị gieo sạ trong đợt 3 bảo đảm dứt điểm nhằm hạn chế sâu, bệnh và tránh nguy cơ thiếu nước cuối vụ ở các huyện phía Nam.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, theo dự báo hạn, mặn sẽ xâm nhập sớm làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, các ngành chức năng khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch vụ lúa ĐX sớm 2019-2020 không nên tiếp tục xuống giống vụ ĐX muộn, nên chọn những giống cây màu phù hợp với điều kiện kinh tế và thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Đồng thời, ngành cũng đề nghị các địa phương chủ động nạo vét hệ thống kênh, mương, chủ động trữ nước ngọt, lấy nước phù hợp; tuyên truyền người dân chủ động bơm nước, làm đất nhằm hạn chế dịch bệnh, mặn cuối vụ, bảo đảm lượng nước đủ cung cấp vào cuối vụ”./.
Trong tuần, giá lúa tươi tại ruộng ổn định. Lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.000-6.100 đồng/kg; Đài thơm từ 5.300-5.500 đồng/kg; Nàng Hoa từ 5.600-5.800 đồng/kg; ST24 từ 7.000-7.200 đồng/kg. Nếp có giá từ 6.800-7.200 đồng/kg. |
Lê Huỳnh