Tiếng Việt | English

17/04/2019 - 10:11

Để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chuyển biến tích cực

Trong Kết luận số 720, ngày 29/3/2019 về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (BT, GPMB, TĐC), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đề nghị UBND tỉnh phân công, cụ thể hóa nhiệm vụ và chỉ đạo quyết liệt từng sở, ngành, địa phương thực hiện kết luận. Trong thực hiện, xác định rõ các danh mục công trình, dự án (DA) trọng điểm cần tập trung giải quyết ở từng địa bàn, phân công cụ thể nội dung, công việc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan, quy định rõ lộ trình thực hiện.

Tập trung tháo dỡ vướng mắc

Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh có chủ trương đầu tư 105 DA với tổng diện tích đất phải thu hồi GPMB là 6.570ha, trong đó đã triển khai 50 DA với 2.250ha, đã bồi thường cho 7.500 hộ dân, GPMB 1.800ha. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn những DA vướng mắc BT, GPMB, TĐC. Trong đó, một số DA còn người dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB như khu Cảng Long An hiện còn 20 hộ (82.653m2); Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam Á Long An còn 26 hộ và 2 tổ chức (hơn 69.700m2); khu nhà ở công nhân (Khu đô thị Đông Nam Á Long An) còn 3 hộ (hơn 13.700m2); khu dân cư (Khu đô thị Đông Nam Á) còn 39 hộ và nhiều hộ dân có quyết định thu hồi đất nhưng đến nay chưa có giá bồi thường và phương án bồi thường. Ngoài ra, những DA khác, người dân chưa nhận tiền bồi thường như KCN Long Hậu 3, hiện còn 261 hộ gia đình, cá nhân; DA của Công ty TNHH Hải Sơn trên địa bàn xã Long Thượng còn 24 hộ; Đường tỉnh 830 còn hơn 50 hộ;...

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua còn nhiều hạn chế

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, công tác BT, GPMB, TĐC thời gian qua được quán triệt từ cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, người dân đồng thuận chủ trương, quy hoạch,... Tuy nhiên, những DA một số người dân chưa đồng thuận chủ yếu liên quan đến BT, TĐC.

Nguyên nhân một phần là DA kéo dài nhiều năm, nhiều DA đã thỏa thuận đầu tư nhưng chủ đầu tư không có năng lực, không triển khai, triển khai kéo dài, chậm chi trả tiền bồi thường. Ngoài ra, công tác giải quyết TĐC thời gian qua còn chậm. Nhiều chủ đầu tư được giao thực hiện đầu tư hạ tầng nhưng kéo dài. Đến nay, trên địa bàn huyện còn hơn 500 nền TĐC chưa bố trí vì chưa hoàn chỉnh hạ tầng và còn hơn 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa cấp cho người dân. Song song đó, vì giáp với TP.HCM nên giá đất trên địa bàn huyện biến động liên tục, trong khi quy trình xây dựng giá bồi thường, phê duyệt, chi trả bồi thường cho người dân lại mất thời gian, kéo dài. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng thông tin, ở huyện Cần Giuộc, diện tích thu hồi, giải tỏa rất lớn. Trong các đợt sốt đất vừa qua, nhiều người dân ở địa phương khác đến đây mua đất đầu cơ. Kéo theo đó, những trường hợp này không hợp tác khi thông báo thu hồi, kê biên GPMB, trong khi công tác chỉnh lý biến động đất đai còn chậm. Giá bồi thường, vật kiến trúc, tài sản trên đất điều chỉnh cũng chưa kịp thời. Trước những vấn đề trên, huyện kiến nghị tỉnh thu hồi những DA triển khai chậm trễ, kéo dài, không bảo đảm năng lực. Địa phương kiến nghị tỉnh sớm điều chỉnh giá bồi thường, vật kiến trúc, mồ mả.

Để công tác BT, GPMB, TĐC chuyển biến tích cực hơn, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, huyện sẽ nghiêm túc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho từng DA; đặc biệt là thực hiện tốt kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác BT, GPMB, TĐC. Huyện xác định phải làm tốt công tác đối thoại với người khiếu nại để nắm được những tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân trong vùng DA; công khai, minh bạch các DA để tạo sự đồng thuận trong thực hiện,... “Trong năm 2019, huyện sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn DA Cảng Long An, KCN Long Hậu 3, KCN Bắc Tân Tập, KCN Hải Sơn và các các khu TĐC tập trung ở Long Hậu, Tân Tập” - ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể

Tại huyện Bến Lức, công tác BT, GPMB đang được đẩy mạnh thực hiện nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn tồn đọng kéo dài thời gian qua. UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 22, ngày 16-01-2019 về triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC trên địa bàn huyện năm 2019 và kế hoạch về việc thực hiện chương trình hành động đột phá trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC các DA tồn đọng.

Để thực hiện, huyện thành lập tổ xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu đơn vị trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC để GPMB khi Nhà nước thu hồi đất.

Năm 2019, tỉnh xác định là năm đột phá về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Năm 2019, tỉnh xác định là năm đột phá về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, huyện còn 13 DA tồn đọng, đang gặp vướng mắc về BT, GPMB, TĐC. Cụm công nghiệp Nhựt Chánh II còn 12 hộ chưa nhận tiền hỗ trợ, 20 ngôi mộ chưa di dời. KCN Nhựt Chánh I còn 6 trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng do không đồng ý đơn giá và 6 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường. Khu dân cư và TĐC Nhựt Chánh có 6 trường hợp khiếu nại, yêu cầu tăng giá và 18 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường ở ven Đường tỉnh 832. Ngoài ra, vài DA khác còn một số người dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường như DA Khu dân cư nhà vườn Thạnh Đức, Khu dân cư biệt thự nhà vườn An Thạnh. Hay DA KCN, Khu dân cư Vĩnh Lộc, xã Long Hiệp phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ trượt giá xây dựng,... “Vướng mắc chủ yếu ở các DA là chưa đồng ý giá đền bù, người dân chưa hiểu hết về DA” - ông Lê Thành Út cho biết.

Thực hiện Kế hoạch số 22, hiện nay, huyện có kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc tại từng DA. Thời gian tới, huyện cũng xác định, công tác BT, GPMB,TĐC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhất là thực hiện tốt Kết luận số 720, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác BT, GPMB, TĐC.

Theo ông Lê Thành Út, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Xác định công tác kê biên, BT, GPMB, TĐC là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể tập trung công tác vận động, giải thích, thuyết phục để người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là các trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, chưa cho kiểm đếm. Trong đó, thường trực huyện ủy, chủ tịch UBND huyện, chủ tịch hội đồng bồi thường cùng tham gia đối thoại trực tiếp với các trường hợp trên để giải quyết.

Song song đó là tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công, kiên quyết cưỡng chế những trường hợp cố tình, không đồng ý bồi thường, hỗ trợ, mặc dù đã được vận động, thuyết phục nhiều lần. Thủ trưởng các cơ quan hành chính cần quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đúng chính sách, có lý, có tình đối với những khiếu nại của công dân liên quan đến công tác BT, GPMB, TĐC. Đặc biệt, huyện luôn xác định phải làm tốt công tác đối thoại với người khiếu nại để nắm được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân,...

“Năm 2019, huyện xác định chọn 4 DA đột phá trong BT, GPMB, TĐC. Đó là 2 DA tồn đọng kéo dài nhiều năm gồm KCN Nhựt Chánh I và Cụm công nghiệp Nhựt Chánh II; 2 DA mới triển khai trong năm 2019 đang gặp khó khăn trong công tác kiểm đếm là DA Khu dân cư Mai Bá Hương và DA Khu dân cư Lương Hòa” - ông Lê Thành Út thông tin./.

Ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Kết luận số 720 - KL/TU về công tác BT, GPMB, TĐC trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh. Kết luận chỉ ra nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong công tác BT, GPMB, TĐC. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các địa phương vùng trọng điểm và sự phối hợp chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện. Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu, các đơn vị, địa phương, cấp ủy cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót. Từ đó, phải có trách nhiệm, giải pháp thực hiện, chấn chỉnh để công tác BT, GPMB, TĐC tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, rõ nét trong thời gian tới.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích