Tiếng Việt | English

17/09/2024 - 19:52

Để nhiều cấp dưới vi phạm nồng độ cồn, xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xử lý nghiêm nếu có cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

Một trường hợp không hợp tác khi cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: HỒNG QUANG

Ngày 17/9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ thị về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

Xử lý hơn 7.600 cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

Trong chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng ghi nhận sự cải thiện tích cực về ý thức chấp hành luật giao thông của đa số cán bộ, đảng viên và người dân. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật giao thông, đặc biệt là trong vấn đề nồng độ cồn.

Đáng chú ý có những trường hợp nghiêm trọng như lái xe vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường và chống đối lực lượng chức năng. Thống kê cho thấy trong năm 2023 và quý 1/2024, công an đã xử lý hơn 7.600 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn.

Thủ tướng nhấn mạnh những vụ tai nạn do cán bộ vi phạm nồng độ cồn gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của đội ngũ công chức và gây bức xúc trong dư luận. Việc này đòi hỏi cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước.

Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi có nhiều cấp dưới vi phạm nồng độ cồn

Để giải quyết tình trạng vi phạm nồng độ cồn trong đội ngũ cán bộ, công chức, Thủ tướng đã đưa ra một loạt yêu cầu nghiêm ngặt.

Các cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ trong việc chấp hành luật giao thông. Khi nhận được thông báo vi phạm, cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm, đảm bảo công bằng, công khai và kịp thời. Nghiêm cấm bao che, giấu giếm khuyết điểm. Hằng năm các cơ quan phải báo cáo kết quả xử lý kỷ luật cho Thủ tướng trước ngày 15/10.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhiều cán bộ vi phạm hoặc xử lý không nghiêm minh sẽ bị xem xét trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Công an được chỉ đạo tuân thủ nguyên tắc "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Cán bộ công an bỏ qua lỗi vi phạm cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.

Đối với trường hợp vi phạm gây tai nạn nghiêm trọng hoặc chống đối lực lượng chức năng, cần khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được yêu cầu quán triệt trong toàn quân về việc chấp hành nghiêm quy định, đặc biệt là không lái xe sau khi uống rượu bia.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cũng được đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phát huy vai trò giám sát, tích cực phát hiện và phê phán hành vi vi phạm của cán bộ, công chức./.

Xử lý hơn 1.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến cao tốc

Xử lý hơn 1.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến cao tốc 

Trong đợt nghỉ lễ, các vi phạm được tập trung xử lý là vi phạm về nồng độ cồn 1.239 trường hợp; vi phạm ma túy 4 trường hợp; vi phạm tốc độ 2.855 trường hợp; vi phạm tải trọng 58 trường hợp.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/de-nhieu-cap-duoi-vi-pham-nong-do-con-xem-xet-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-20240917171854866.htm

Chia sẻ bài viết