Thí sinh trong buổi thi thứ 3 với bài thi tổ hợp
Ra về với tâm trạng vui vẻ, thoải mái vì đã cố gắng hết sức mình khi làm bài thi, Phạm Lê Hà Giang, TS điểm thi Trường THTP Lê Quý Đôn (TP.Tân An) chia sẻ: “Em thi bài Khoa học tự nhiên. Theo em, đề thi các môn thuộc Khoa học tự nhiên năm nay có vẻ khó hơn năm trước, có sự phân hóa TS rõ nét. Những câu đầu tương đối dễ và tăng dần độ khó lên ở những câu tiếp theo, đặc biệt là một vài câu cuối. Nhìn chung em hài lòng với bài thi của mình và sẽ tiếp tục nỗ lực ở môn thi cuối”.
Nhận xét về đề thi Khoa học xã hội, Nguyễn Hoài Anh Thư, TS điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn nói: “Đề thi môn Lịch sử tương đối khó, có sự phân hóa cao. Tuy nhiên, đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân khá dễ, nếu ôn tập kỹ có thể đạt được điểm cao”.
Thí sính nhận xét đề thi bài tổ hợp phân hóa rõ nét
Dõi theo TS trong những ngày thi, giáo viên các môn thi rất quan tâm về đề thi năm nay. Nhận định về đề thi môn Vật lý, thầy Lê Tài Anh Nhân, giáo viên Vật lý, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tân Trụ) cho biết: “Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, trong đó kiến kiến thức lớp 12 chiếm 90%, kiến thức lớp 11 chiếm 10%. Đề có 30 câu đầu ở mức độ biết, phù hợp với học sinh thi tốt nghiệp THPT; 10 câu sau phân loại học sinh khá, giỏi, trong đó 4 câu cuối ở mức độ vận dụng cao, thuộc phần kiến thức lớp 12. Nhìn chung, đề thi đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và có tính phân loại cao phù hợp xét tuyển đại học, cao đẳng”.
Với đề thi Hóa học, thầy Huỳnh Quang Thuần, giáo viên Hóa học, Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Nhìn tổng quan đề Hoá năm nay khó hơn năm trước. Tuy nhiên đề phân hoá rõ ràng, 20 câu đầu rất dễ, những câu kết tiếp thì khó dần, học sinh khá, giỏi mới làm được; riêng 4 câu ở cuối rất khó. Nội dung tập trung chủ yếu ở lớp 12. Đề có một số câu hỏi lạ và bất ngờ, khác với dự đoán của nhiều giáo viên. Dự đoán học sinh sẽ đạt điểm từ 5 đến 7 điểm khá nhiều; điểm 10 không nhiều”.
Thầy Nguyễn Văn Nhân, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS&THPT Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh) cho biết: “Đề thi môn Sinh học năm nay có khoảng 60% số câu nhận biết, thông hiểu, 40% số câu vận dụng, vận dụng cao. 90% đề thi thuộc chương trình lớp 12; 10% thuộc chương trình lớp 11. Đề thi có câu hỏi sắp xếp theo tăng độ khó. Có các câu hỏi đánh giá năng lực đọc, phân tích hình ảnh, đồ thị. Phần khó nhất thuộc nội dung Các quy luật di truyền, Di truyền học quần thể. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa giúp phân loại được TS phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học. Học sinh trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm”.
Về đề thi môn Lịch sử, cô Phạm Thị Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đông Thạnh nhận xét: “ Đề có nội dung trọng tâm vào kiến thức lớp 12, trong đó kiến thức tập trung nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 1975. Đề bám tương đối sát đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề có mức độ phân hóa khá cao, tập trung từ câu 31 - 40”.
Chia sẻ về đề thi môn Địa lý, thầy Nguyễn Khắc Nin, giáo viên Địa lý, Trường THPT Đức Huệ (huyện Đức Huệ) nói: “ Đề ra ở mức độ vừa sức với TS. Câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 70% nên TS dễ dàng đạt được 5 điểm. Tuy nhiên, đề có sự phân hóa TS một cách sâu sắc với nhiều câu hỏi vận dụng cao nên đòi hỏi TS thật sự xuất sắc mới đạt điểm 9, 10”.
Riêng đề Giáo dục công dân, cô Trương Thị Thanh Kiều, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Cần Giuộc) nhận xét: “Đề thi môn Giáo dục công dân bám sát đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mặt cấu trúc, tỷ lệ, mức độ nhận thức. Đề đi sâu vào các vấn đề trọng tâm, không ra phần tinh giảm. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và 11. Nhìn chung, TS nắm vững kiến thức trọng tâm thì có thể đạt từ 8 điểm trở lên”.
Nhìn chung, đề thi các môn tổ hợp có sự phân hóa rõ rệt, đáp ứng nhu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng, đại học./.
An Nhiên