Tiếng Việt | English

10/05/2016 - 09:48

Để vụ Hè Thu 2016 đạt hiệu quả

Đến nay, toàn tỉnh kết thúc lịch gieo sạ đợt 1 - vụ Hè Thu năm 2016. Trước tình hình hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng về giải pháp giúp nông dân sản xuất vụ Hè Thu 2016 đạt hiệu quả.


Nông dân làm đất, gieo sạ vụ lúa Hè Thu

PV: Kết thúc lịch gieo sạ đợt 1, nông dân gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Kết thúc lịch gieo sạ đợt 1 lúa Hè Thu 2016, diện tích gieo sạ ước đạt trên 92.000ha/kế hoạch 222.500ha, bằng 89,5% so với cùng kỳ. Trong đó, gieo sạ trong lịch thời vụ đợt 1 là 22.000ha, diện tích thu hoạch khoảng 3.465ha, năng suất ước 51 tạ/ha, sản lượng 17.640 tấn.

Ông Lê Văn Hoàng: Được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo, sự phối kết hợp tốt giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nông dân tích cực sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Ngành chủ động đề xuất các giải pháp chỉ đạo sản xuất từ rất sớm như: Công văn số 3552/SNN-CCTL; Công văn số 456/SNN-TT, ngày 24-2-2016 về việc thực hiện các giải pháp trồng trọt nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân và Hè Thu 2016.

Đồng thời, công tác điều tra phát hiện dự tính, dự báo về tình hình dịch hại được chính xác và kịp thời, có các khuyến cáo hữu hiệu về quản lý dịch hại nên khống chế được dịch hại xảy ra; công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật và thông tin, tuyên truyền được tăng cường; các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn như: Thời tiết chuyển biến bất thường, nước lũ thấp hơn so với các năm trước nên chi phí vật tư nông nghiệp tăng; mùa mưa năm 2015 trễ hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng, lượng mưa thấp, phân bổ không đều nên thời vụ gieo sạ Hè Thu 2015 trễ, kéo theo thời vụ Thu Đông 2015, Đông Xuân 2016 trễ hơn so cùng kỳ 1 tháng ở các huyện phía Nam của tỉnh và diện tích xuống giống trễ này bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2016 và tiến độ gieo sạ vụ Hè Thu 2016,...


Nông dân làm đất, gieo sạ vụ lúa Hè Thu

PV: Trước tình hình hạn diễn ra gay gắt, sắp tới, đến lịch gieo sạ đợt 2, 3, ngành nông nghiệp có khuyến cáo như thế nào cho người dân sản xuất hiệu quả, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Hiện nay, nông dân cần quan tâm: Vệ sinh đồng ruộng, nông dân làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày phơi đất sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, làm sạch cỏ dại trên bờ, phát quang bụi rậm, lùm cây,... để cắt nguồn sâu, bệnh và chuột, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần để đất có thời gian nghỉ, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động và rơm rạ được phân hủy, tránh bị ngộ độc hữu cơ khi sạ lúa Hè Thu; xác định thời vụ gieo sạ: Tập trung xuống giống Hè Thu thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung nhanh, gọn và đồng loạt, né rầy; kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có ở những vùng không chủ động về nguồn nước; căn cứ điều kiện nguồn nước, khả năng lấy nước của từng vùng, từng cánh đồng, diễn biến rầy nâu vào đèn để chỉ đạo lịch thời vụ chặt chẽ, phù hợp và có tính toán đến thời vụ của các vụ lúa còn lại trong năm.

Bên cạnh đó, cần chú ý các vùng sản xuất sau: Đối với những vùng cao ven biên giới của huyện Vĩnh Hưng và các huyện: Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường,... chưa bảo đảm về nguồn nước tưới, khuyến cáo nông dân không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có, dự kiến tập trung gieo sạ từ 15 đến 25-5-2016; kiên quyết chưa gieo sạ đối với các vùng sản xuất lúa dựa vào nước trời ở các huyện phía Nam, vì các vùng này theo dự báo chưa thể có nguồn nước ngọt bơm tưới, cần phải chờ mưa đều để rửa mặn, rửa phèn, dự kiến tập trung gieo sạ từ 13 đến 23-6-2016.

Các huyện có diện tích Hè Thu sớm đã gieo sạ, cần tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sâu bệnh, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, không để bộc phát, lây lan các đối tượng dịch hại sang lúa Hè Thu chính vụ; tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 100-120kg/ha nhằm hưởng ứng chương trình “Giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động; áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, ngập - khô xen kẽ, nhỏ giọt, phun mưa,...), điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Hướng dẫn nông dân các biện pháp thau chua, rửa mặn, làm đất kỹ, tăng cường bón vôi, phân hữu cơ,... ở những vùng đã bơm nước lợ để cứu hạn vụ Đông Xuân.


Gieo sạ lúa Hè Thu

PV: Trong vụ Hè Thu năm 2016, những giống nào mà nông dân cần quan tâm trong sản xuất để đạt hiệu quả, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Cần sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Nhóm giống cao sản chất lượng cao: OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM 1352, OM 4218,...; nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: Jasmine 85, Nàng hoa 9, RVT, Nếp IR 4625, VD 20, Nếp bè,...; nhóm giống chất lượng trung bình: IR 50404 (các địa phương cần lưu ý, cân nhắc, không nên vượt quá 10% diện tích gieo sạ do chất lượng trung bình và tiêu thụ không ổn định). Nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình-khá: AS996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976.

PV: Xin ông cho biết thêm trong thời gian tới, ngành nông nghiệp có giải pháp nào ứng phó với hạn, mặn, để nông dân sản xuất Hè Thu tốt?

Ông Lê Văn Hoàng: Thời gian tới, ngành sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn; kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống phục vụ tốt cho việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Kiểm tra, theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết, đồng thời, thực hiện vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch và kênh nội đồng; triển khai tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi; vận động người dân giữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sử dụng nước tiết kiệm, giữ nguồn nước nội đồng tránh ô nhiễm; liên hệ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng lượng nước xả xuống sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết