Tiếng Việt | English

06/05/2023 - 10:23

Đến năm 2030, tỉnh Long An sẽ xuất khẩu hàng hóa gì?

Thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh Long An theo hướng phát triển xuất, nhập khẩu bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế,…

Đó là mục đích của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030 được UBND tỉnh Long An vừa ký ban hành.

Bốc xếp hàng hóa ở cảng Bourbon Bến Lức

Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu dịch vụ; tiếp tục định vị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, hệ thống phân phối toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp theo hợp đồng thương mại.

Cụ thể, bình quân giai đoạn 2021- 2030, tỉnh có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 10% - 10,5%/năm.

Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 95% vào năm 2030.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng nông, thủy sản đạt 12%. Tăng tỷ trọng hàng nông, thủy sản xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc là 50%

Tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường ngoài châu Á đạt 40% vào năm 2030.

Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; bảo đảm cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh Long An.

Trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, UBND tỉnh Long An định hướng phát triển đa dạng các loại thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể; tập trung giữ vững các thị trường truyền thống, duy trì phát triển với các thị trường mà tỉnh Long An có hợp tác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc; tăng cường xuất khẩu theo hợp đồng thương mại.

Long An duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển sản phẩm, thương hiệu sản phẩm hàng hóa dịch vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu từng loại thị trường. Ưu tiên phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ xanh, cơ hội đa dạng hóa cao (điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, phần mềm,…) làm nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.

Phát triển các dịch vụ phục vụ xuất khẩu (tài chính, logistics, năng lượng mới,…) hướng đến xuất khẩu dịch vụ (logistics, du lịch, tài chính, viễn thông,…). Phát triển dịch vụ phục vụ xuất khẩu tại Cảng quốc tế Long An.

Với sản xuất nông nghiệp, tỉnh tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu của tỉnh theo quy hoạch; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo ra các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được các yêu cầu thị trường nhập khẩu

Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương có tác động đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh; thu hút đầu tư nước ngoài khắc phục các điểm yếu của sản xuất trong tỉnh như phát triển các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương có tác động đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh (công nghiệp chế biến nông, thủy sản, cơ khí, dệt may, điện tử - tin học,…); mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao: công nghiệp công nghệ cao, hàm lượng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ xanh, cơ hội đa dạng hóa cao (điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, phần mềm…), công nghiệp năng lượng,…. thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Tỉnh cũng khuyến khích phát triển nhân lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, lao động có kỹ năng. Triển khai hiệu quả Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.

Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại theo hướng tập trung vào những nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh tại từng thị trường, hướng vào những thị trường Việt Nam đã và sẽ ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các FTA đã được ký kết.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khuyến khích thiết kế, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang thông tin xuất khẩu, Cổng thương mại điện tử và cổng thông tin thị trường nước ngoài,...

Với Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, chắc chắn hoạt động xuất, nhập khẩu của Long An sẽ đạt kết quả tốt, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích