Vượt khó vươn lên
Trở về sau những năm tháng chiến tranh, thương binh Hồ Quốc Minh (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) đau lòng khi nhìn thấy quê hương mình cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh bị tàn phá hết sức nặng nề, đất đai hoang hóa, nhiễm phèn nặng, đời sống khó khăn, giao thông chưa thông suốt;... Theo ông Minh, nhờ chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười cùng việc mở đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay), người dân cần mẫn trong lao động,... nên vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng năm nào trở thành những cánh đồng trù phú, bạt ngàn, là vựa lúa của tỉnh và khu vực. Đặc biệt, từ chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những cánh đồng lúa trong quy hoạch được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao; năng suất, sản lượng ngày càng tăng cao hơn so với trước đây.
Từ vùng đất hoang hóa, Long An trở thành vựa lúa lớn của khu vực
Trên bước đường đổi mới, Long An được biết đến là một trong ít địa phương đi đầu trong cải tiến phân phối lưu thông, góp phần cùng cả nước xóa dần cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định đời sống người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất. Thành công này tạo cơ sở thực tiễn cho Đảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong thời kỳ đổi mới.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm cho rằng, sau giải phóng, Long An gần như con số 0, đất đai canh tác ít, các dịch vụ, vui chơi đều không có,... Là địa phương giáp ranh TP.HCM nhưng tỉnh có điểm xuất phát thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế nhưng sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ dẫn đến đời sống người dân vô cùng khó khăn. Với những trăn trở, băn khoăn phải làm sao để tạo nên một bước ngoặt mới, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh, những người lãnh đạo thời kỳ đó mạnh dạn hoạch định chủ trương, đường lối để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước) được triển khai hiệu quả gắn với bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Khi những công trình này hoàn thành sẽ thuận lợi, thông thoáng trong giao thương, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.
Những gam màu sáng
37 năm đổi mới, 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kế thừa truyền thống “trung dũng kiên cường”, Đảng bộ tỉnh đồng lòng, quyết tâm vượt qua thử thách để khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, góp phần hình thành và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn có tính đột phá.
48 năm sau ngày giải phóng, tỉnh có sự phát triển vượt bậc
Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh thu ngân sách đạt mức kỷ lục, khoảng 22.000 tỉ đồng.
Quí I/2023, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ làm tốt công tác dự báo tình hình từ cuối năm 2022, tỉnh có sự chủ động, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường nên tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phục hồi. Điều phấn khởi là tốc độ tăng GRDP đạt 3,82%, trong đó, khu vực 1 tăng 2,72%, khu vực 2 tăng 5,43% và khu vực 3 tăng 3,15%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,44% so cùng kỳ (sản xuất công nghiệp cả nước tăng trưởng âm), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%. Tỷ lệ giải ngân đạt khá, cao hơn cùng kỳ (đạt 21,57% kế hoạch, cùng kỳ đạt 9,62% kế hoạch). Đặc biệt, tỉnh có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí tốp 10 các tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất năm 2022.
Với những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ngày 03/4/2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được
|
Theo nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Chí Cường, từ sau khi tỉnh cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới và 48 năm sau ngày giải phóng, kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc. “Thay đổi nhiều lắm, điều này thể hiện rõ nét qua hệ thống giao thông, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Trước đây, từ nơi tôi ở (ấp Phước Tú, xã Thanh Phú) đến nơi làm việc làm gì có đường cho xe chạy. Tôi đi công tác phần lớn là đi bộ, nắng bụi, mưa lầy. Hồi đó, ai cũng khổ, đất đai hoang hóa, làm ruộng chỉ có 1 vụ nhưng năng suất thấp. Xóm tôi ở chỉ có vài căn nhà ngói, hầu hết là nhà lá cột cây. Còn bây giờ, đâu chỉ riêng huyện Bến Lức mà các địa phương khác đều có sự thay đổi đến ngỡ ngàng” - ông Cường kể.
Mấy mươi năm sau ngày giải phóng, huyện Bến Lức đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực KT-XH. Từ huyện thuần nông với điểm xuất phát thấp nhưng có vị trí thuận lợi, là địa bàn kết nối các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó, có TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bến Lức đã phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn ở mức cao, năm 2022 là 15,07%. Đến nay, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm gần 99%, nông nghiệp còn trên 1%; tốc độ đô thị hóa khá nhanh làm thay đổi tích cực về diện mạo đô thị. Thu hút đầu tư hàng năm khá cao, thu ngân sách năm 2022 lần đầu tiên đạt mốc 1.000 tỉ đồng, là một trong những huyện đầu tàu, động lực kinh tế của tỉnh.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, Long An chịu ảnh hưởng nặng nề, nằm trong “tâm dịch”. Tuy nhiên, với tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, tỉnh có những quyết định đột phá khi là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước mở cửa kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo bước đệm quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, những dự án công nghiệp trên địa bàn các huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như các tỉnh, thành khác.
Hệ thống nước sạch được đầu tư
Năm 2022 là năm chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong phát triển KT-XH của tỉnh khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng. Dù mức tăng trưởng này chưa đạt như kỳ vọng nhưng là mức tăng trưởng tốt sau khoảng thời gian bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Thành quả đó cho thấy chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh phát huy hiệu quả tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng/năm. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn tiếp tục khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại; đánh dấu khả năng bứt phá vượt bậc trong việc triển khai, thực hiện chặt chẽ chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Hiện nay, toàn tỉnh có 119/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Long An đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ mang tính đột phá trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới quê hương. Tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: “Đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”./.
Thanh Nga