Là cửa ngõ nối TP.HCM với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giao thông thủy, bộ Long An có vị trí rất quan trọng cho phát triển kinh tế không chỉ của tỉnh mà còn của toàn khu vực. Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên từng nói: “Nếu Long An quan tâm đầu tư phát triển giao thông đúng hướng sẽ là bài toán có lời giải trong thu hút đầu tư, nâng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho vùng lúa Đồng Tháp Mười và vùng thanh long, nuôi trồng thủy sản miền hạ”.
Giao thông phát triển – động lực cho kinh tế phát triển
Mở đường cho phát triển
Đường tỉnh 830 nối dài hay còn gọi là đường Đức Hòa-Tân Tập có tổng chiều dài 55,3km, là tuyến đường có vị trí chiến lược quan trọng kết nối vùng phát triển công nghiệp (Đức Hòa, Bến Lức) với vùng hạ (Cần Đước, Cần Giuộc) và TP.HCM thông qua cảng nước sâu Long An trên sông Soài Rạp. Việc triển khai thi công nâng cấp và làm mới sẽ được tiến hành từng giai đoạn và phân khúc. Đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến Quốc lộ (QL) 1 (24km) hiện nay là đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m, một số đoạn quá tải so với lưu lượng và mật độ giao thông. Trong đó, đoạn từ ngã ba Hựu Thạnh đến điểm giao cao tốc TP.HCM-Trung Lương dài 17km sẽ được mở rộng quy mô đường cấp II đồng bằng, có 4 làn xe, nâng tải các cầu trên tuyến đạt trọng tải phù hợp với nền đường. Được biết, tổng dự toán toàn bộ công trình (đoạn từ thị trấn Đức Hòa-QL1) khoảng 1.300 tỉ đồng và công trình sẽ hoàn thành vào quí II-2019.
Ông Nguyễn Văn Xạ, người dân Khu dân cư Nam Long, xã An Thạnh, huyện Bến Lức cho biết: “Từ khi tuyến Đường tỉnh 830 được nâng cấp và tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương hoàn thành, kinh tế khu vực xã An Thạnh thay đổi, người dân chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập cao hơn, việc đi lại cũng thuận tiện hơn nhiều”.
Đoạn từ QL1 đến QL50 (đường Bến Lức-Tân Tập) có tổng chiều dài 18,317km, dự kiến mức đầu tư khoảng 833 tỉ đồng. Đây là đoạn đường đi qua 2 huyện Bến Lức và Cần Đước, có nhiều khu, cụm công nghiệp và khu dân cư nên việc giải phóng mặt bằng tốn nhiều kinh phí. Theo chủ trương của tỉnh, đoạn đường này sẽ được nâng cấp thành đường cấp II đồng bằng với quy mô 4 làn xe vào năm 2020.
Đường tỉnh 830 nối dài (đoạn giao thông đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương)
Đoạn từ QL50 đến Tân Tập (dài 13km) có hiện trạng nhỏ hẹp nên tỉnh chủ trương sớm đầu tư mở rộng, phục vụ việc trung chuyển hàng hóa từ cảng Long An đến các khu, cụm công nghiệp. Dự toán đầu tư khoảng 700 tỉ đồng với hình thức BOT hoặc khoảng 461 tỉ đồng nếu đầu tư theo hình thức Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác, trong đó, doanh nghiệp sẽ ứng vốn 100%. Dự kiến, đoạn đường này được triển khai thi công vào giữa năm 2017 và hoàn thành vào quí II-2019.
Kết nối TP.Tân An, vùng hạ và TP.HCM
Theo đề xuất của Công ty Cổ phần Tư vấn và Thiết kế GTVT khu vực phía Nam, việc kết nối giao thông của khu vực phía Đông của tỉnh Long An theo hướng Quốc lộ 50 vẫn còn nhiều hạn chế, do hạ tầng giao thông không đồng bộ. Do đó, cần phải xây dựng một tuyến đường làm động lực, tạo đà phát triển cho khu vực phía Đông-Nam của tỉnh gồm: TP.Tân An, Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc và Nam TP.HCM. Đặc biệt, tuyến này mở ra hướng thông thương với huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông Sở GTVT - Trần Thiện Trúc cho biết: “Việc mở tuyến đường động lực cho phát triển kinh tế vùng rất cần thiết. Ban Quản lý dự án phối hợp đơn vị tư vấn đề ra 3 phương án, trong đó, phương án 3 là khả thi nhất và mang lại sức hút phát triển kinh tế cho cả vùng rộng lớn phía Đông-Nam”. Nếu phương án này được duyệt, Long An sẽ có các trục đường chính song song gồm: Tuyến N1, N2, QL1, cao tốc TP.HCM-Trung Lương và tuyến đường động lực sắp triển khai. Đặc biệt, theo phương án 3, đa số chiều dài trên tuyến có đường hiện hữu, việc cần làm là chỉ xây mới 9,8km đường và 4 cầu qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Cần Giuộc và rạch Cần Giuộc, ước tính việc đầu tư xây cầu hơn 2.000 tỉ đồng. Chiều dài toàn tuyến là 45,5km, có điểm đầu từ Km0+000 tại vị trí giữa đường vành đai TP.Tân An và Đường tỉnh 827A, điểm cuối là Km45+500 giao giữa Đường tỉnh 826E với đường Nguyễn Văn Tạo, TP.HCM.
Theo Giám đốc Sở GTVT - Phạm Văn Cảnh: “Dự kiến việc hình thành tuyến đường động lực sẽ kéo theo việc hình thành khu, cụm công nghiệp, dịch vụ và khu dân cư, khu đô thị xanh dọc hai bên tuyến đường, giải quyết bài toán khó về lao động dư thừa do cơ giới hóa nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy kinh tế vùng hạ phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Ngoài ra, tuyến đường này còn kết nối Đường tỉnh 830 nối dài, 835, 835B, QL50 và đường vành đai 4, cảng Hiệp Phước-Nhà Bè (TP.HCM) tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn theo quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Những con đường rộng mở sẽ kết nối niềm tin và hy vọng vào sự chuyển mình đi lên của tỉnh Long An, mở ra mùaGiao thông phát triển - động lực cho phát triển kinh tế-xã hội xuân mới tràn đầy hạnh phúc! Đường tỉnh 830 nối dài (đoạn giao đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương). |
Bảo Lâm