Tiếng Việt | English

08/05/2023 - 14:06

Đi nắng về ngồi máy lạnh, một người đàn ông đột quỵ

Vừa chở hàng về giữa trưa, một người đàn ông ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã bật quạt số lớn và điều hòa cùng lúc để nằm nghỉ, ngay sau đó đã bị đột quỵ.

Ngày 8-5, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết vừa cấp cứu đột quỵ thành công cho một người đàn ông bị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch kịp “giờ vàng”.

Bệnh nhân là ông N.T.L. (49 tuổi, quận Bình Thạnh), được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ.

Kết quả chẩn đoán ông L. bị đột quỵ cấp, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn trong đêm hoặc ngày mai, đây là cơn nhồi máu não cấp (giờ thứ 4, loại trừ xuất huyết não).

Các bác sĩ tư vấn cho người nhà lập tức phải dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch làm tan cục máu đông, phòng ngừa yếu liệt, tắc mạch máu não nặng hơn.

Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp, đảm bảo kịp “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ cấp.

Sau một giờ dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, đáp ứng với phương pháp điều trị, hết nói đớ và tê yếu nửa người trái.

Sau một tuần điều trị, người bệnh đã phục hồi 90%, có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Ông L. cho hay thường ngày ông đi lấy hàng cho vợ bán ngoài chợ vào lúc giữa trưa. Khi về nhà ông thường đi lại vài vòng và bật quạt thoáng nhẹ.

Nhưng hôm đó trời nắng nóng quá, ông vừa về nhà lúc 13h trưa, liền bật quạt số lớn và bật luôn điều hòa mát lạnh để nằm nghỉ ngơi.

Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg. Ông liền ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi.

Sau đó ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu, ông nhờ người thân đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Hoàng Tuyết Sương, khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho hay ông L. có tiền căn tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường và mỡ máu cao, vốn đều là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não.

Bác sĩ Sương khuyến cáo người dân việc chênh lệch nhiệt độ (như đang ngoài nắng vào nhà ngồi máy lạnh hoặc ngược lại…), cường độ làm việc cao, căng thẳng, mất ngủ, mắc các bệnh lý cấp tính như nhiễm trùng… là những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích