Tiếng Việt | English

08/03/2019 - 14:18

Dịch tả lợn châu Phi - Phòng bệnh là chính

Sau khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc, các địa phương chăn nuôi heo ở miền Trung, Nam nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh dịch. Long An là cửa ngõ vận chuyển heo vào các tỉnh, thành miền Tây. Vì vậy, tỉnh sớm có các phương án phòng, chống dịch trên địa bàn.

Để nhận biết heo nhiễm bệnh

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra; lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp mầm bệnh và xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại heo. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với tỷ lệ chết trên heo cao (lên đến 100%); heo khỏi bệnh vẫn có thể mang trùng và truyền lây bệnh suốt đời. Thời gian ủ bệnh 4-19 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Vi-rút có sức đề kháng cao với môi trường, tồn tại thời gian dài trong thịt đông lạnh (1.000 ngày), giăm bông (140 ngày). Vi-rút có thể bị tiêu diệt ở 600C trong 20 phút. Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị bệnh DTLCP, vì vậy, giải pháp phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học là chính. Đặc biệt, bệnh dịch tả heo không lây lan trên người và vi-rút gây bệnh có thể bị tiêu diệt sau khi xử lý bằng nhiệt (600C trong 20 phút).

Triệu chứng bệnh tích: Heo sốt, thân nhiệt cao hơn 400C, không ăn, nôn mửa, ủ rũ, lười vận động, nằm chồng đống; có thể hôn mê. Heo có biểu hiện đau vùng bụng. Vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng,... có thể có màu đỏ sẫm, xanh, tím. Heo chết đột ngột; phủ tạng (tim, phổi, ruột, thận,...) xuất huyết. Hiện nay, con đường lây truyền chủ yếu: Vi-rút truyền lây qua chất tiết, dịch tiết, chất thải, xác động vật, thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, giăm bông,... Con người và phương tiện vận chuyển là 2 yếu tố quan trọng làm lây lan bệnh trên diện rộng.

Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTLCP. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển heo và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng”.

… và phòng, chống hiệu quả

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi-rút DTLCP vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm của heo nhập lậu, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tại Long An, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ lực lượng thú y và địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh DTLCP; thành lập ngay các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ 24/24 đối với heo và sản phẩm của heo ra vào địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng liên quan tổ chức, kiểm soát việc vận chuyển heo, không để bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để ngăn chặn bệnh DTLCP, hiện nay, các cấp, các ngành đang triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan. Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy, tránh tình trạng người dân bán chạy heo bệnh. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý. Riêng tuyến biên giới, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo bất hợp pháp qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu heo, sản phẩm của heo theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương, nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh DTLCP thì báo ngay chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, không bán chạy heo bệnh hoặc vứt xác ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và các địa bàn có nguy cơ cao; tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm của heo nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán heo, sản phẩm của heo không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y nhằm hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh”./.

“  Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý”.

Phó Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết