Khu vực hợp lưu giữa kênh T1 và kênh Ranh, bằng mắt thường có có thể nhận thấy màu sắc nước thay đổi rõ rệt
Kênh ranh, kênh T1 nước đen ngòm, nổi váng dầu
Khoảng gần 5 năm nay, người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh Ranh, giáp ranh giữa xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM rất bức xúc khi dòng kênh này trở nên ô nhiễm nặng nề, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, khó chịu.
Theo anh Nguyễn Văn Quý, ngụ ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, trước đây khi địa phương chưa phát triển công nghiệp, dòng kênh này tương đối sạch sẽ nhưng từ khi các K,CCN hình thành của cả tỉnh Long An và TP.HCM, dòng kênh này bắt đầu bị ô nhiễm do phải gồng gánh lượng nước thải lớn xả ra từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Và khoảng hơn 3 năm trở lại đây, dòng kênh này nước luôn luôn là một màu đen kịt, ngày nắng nóng, nước ròng mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. “Nước ô nhiễm, cá tôm không thể sống dưới kênh. Chúng tôi từng có ý kiến phản ánh nhưng không thấy cải thiện gì” - anh Quý cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Chiến, ngụ huyện Bình Chánh, cũng khẳng định nước tại kênh Ranh hiện nay rất ô nhiễm, không thể lấy nguồn nước này để sản xuất nông nghiệp như trước. Theo một số người dân, nguồn nước kênh Ranh ô nhiễm chủ yếu do lượng nước thải của các nhà máy tại các K,CCN đổ ra kênh T1, rồi nguồn nước thải từ kênh T1 đổ ra kênh Ranh khiến dòng kênh này ô nhiễm nặng.
Có mặt tại kênh T1, dòng nước ở đây đen ngòm, có nhiều đoạn xuất hiện váng dầu dày đặc. Hai bên bờ và cỏ cây dọc theo tuyến kênh cũng nhuốm một màu đen.
Tại đoạn hợp lưu giữa kênh T1 và kênh Ranh, bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất rõ màu sắc thay đổi giữa 2 tuyến kênh này. Nước đen của dòng kênh T1 với dòng nước đục trắng của kênh Ranh chảy từ đầu nguồn hợp thành dòng nước màu nhờn nhợt rồi chuyển hẳn sang màu đen khi đổ về cầu Đôi trên Tỉnh lộ 10.
Nhiều đoạn tại kênh T1, nước xuất hiện váng dầu dày đặc trên mặt nước
Theo một số người dân tại xã Đức Hòa Đông thì ngoài lượng nước thải từ một số nhà máy, xí nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc thì dòng kênh T1 là dòng kênh chính dẫn nước thải chính của gần 300 nhà máy tại 2 cụm công nghiệp (CCN) tự phát Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ. Đáng lưu ý, 2 CCN này không có chủ đầu tư, không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Trước tình trạng ô nhiễm nặng đang xảy ra tại kênh Ranh và kênh T1, các hộ dân ở đây đều mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, đặc biệt là kiểm soát việc xả thải tại các nhà máy, xí nghiệp.
Kênh An Hạ, nước ô nhiễm nặng
Tương tự như kênh Ranh và kênh T1, tại kênh An Hạ - dòng kênh lớn xuyên qua 2 KCN Tân Đức và Hải Sơn qua địa bàn 2 xã Đức Hòa Hạ và Hựu Thạnh, trước khi đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông nước cũng có màu đen kịt.
Bà Nguyễn Thị Vân, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, cho biết: “Trước đây, nước ở dòng kênh này rất sạch nhưng từ khi hình thành 2 KCN lớn trên địa bàn với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động thì dòng kênh này cũng bắt đầu ô nhiễm”.
Sinh sống tại khu vực này, anh Nguyễn Quốc Quang khẳng định, nước ở kênh An Hạ đã quá ô nhiễm, lúc nước ròng là thấy rõ nhất, có hôm váng dầu từ đâu đổ đến phủ kín khắp mặt kênh.
“Chúng tôi nghe nói, tại 2 KCN đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng khi nước ròng, gần chục cửa cống chảy từ các dòng kênh nhỏ trong 2 KCN đổ ra kênh An Hạ lúc nào cũng là màu đen. Một năm chỉ được những ngày tết, khi các doanh nghiệp dừng hoạt động thì nước tại kênh An Hạ mới bớt ô nhiễm” - anh Quang cho biết.
Theo một số người dân khác thì về lâu về dài, việc ô nhiễm tại kênh An Hạ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nước trong khu vực vì dòng kênh An Hạ ngày ngày vẫn đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài kênh Ranh, kênh T1, kênh An Hạ thì trên địa bàn huyện Đức Hòa còn nhiều dòng kênh khác ven các K,CCN cũng đang dần bị ô nhiễm. Đặc biệt, qua giám sát của HĐND tỉnh năm 2018 cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kênh, rạch ô nhiễm ven các K,CCN. Đó là việc tại một số K,CCN, hệ thống thu gom nước thải chưa bảo đảm, nước thải tại các nhà máy, xí nghiệp chưa được thu gom triệt để, một số nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa vận hành hiệu quả, có trường hợp qua xử lý nhưng nước khi xả ra môi trường chưa đạt quy chuẩn
xả thải.
Kênh Ranh bị ô nhiễm nặng
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường tại các dòng kênh trên địa bàn huyện Đức Hòa, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, đối với vấn đề ô nhiễm đang xảy ra tại kênh Ranh và kênh T1 thì nguồn nước ô nhiễm chủ yếu do việc xả thải của gần 300 doanh nghiệp tại 2 CCN tự phát Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ. Do đây là các CCN tự phát nên đến nay vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung, một số doanh nghiệp vẫn xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, dòng kênh ô nhiễm còn có một phần nguyên nhân do các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến kênh vô tư xả thải, xả rác trực tiếp xuống kênh. Còn tại kênh An Hạ, mặc dù 2 KCN đã có hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng trong quá trình kiểm tra, sở vẫn phát hiện việc xả thải không đúng quy định. Năm 2018, sở đã tham mưu để UBND tỉnh xử phạt đối với KCN Tân Đức số tiền gần 2 tỉ đồng liên quan đến việc xả thải không đúng quy định. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề môi trường trong các công ty, xí nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, năm 2018, sở còn tiến hành kiểm tra 54 cuộc, xử lý 32 trường hợp vi phạm với số tiền lên đến 6 tỉ đồng.
Về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn khẳng định, đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường tại kênh Ranh và kênh T1, hiện tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chỉnh trang hạ tầng, xử lý nước thải tại 2 CCN tự phát Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ để giải quyết tình trạng xả thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh cũng như phát hiện và xử lý những trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm liên quan đến vấn đề môi trường. Đồng thời, trong công tác tiếp nhận đầu tư, sở cũng tập trung tham mưu UBND tỉnh không tiếp nhận đầu tư đối với những ngành nghề dễ xảy ra ô nhiễm môi trường./.
Kiên Định