Nguồn vốn từ NHCSXH giúp nông dân thoát nghèo bền vững
Điểm tựa cho người nghèo
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Long An - Đặng Văn Điền cho biết, ước tính đến cuối năm 2015, nguồn vốn giải ngân cho các chương trình thuộc ngân hàng quản lý khoảng 2.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân hàng đang giải ngân cho 21.876 hộ nghèo với số vốn 330,8 tỉ đồng; 18.790 hộ cận nghèo với số vốn 411,7 tỉ đồng; 4.195 hộ vay giải quyết việc làm với số vốn 76,8 tỉ đồng và 672 hộ thoát nghèo được vay hơn 19,3 tỉ đồng,...
Ông Nguyễn Ngọc Ngon, ngụ ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước đang sở hữu 4 đầm nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1,2ha và dãy chuồng heo với 5 con heo nái, 15 con heo thịt.
Ông Ngon cho rằng, cơ ngơi này có được đều khởi nguồn từ vốn vay thuộc diện hộ nghèo hơn 6 năm trước. Trước đây, nhà ông chăn nuôi heo nhưng chỉ 1-2 con, bởi không có vốn. Biết được hoàn cảnh gia đình ông, ông Võ Văn Vị - Tổ trưởng Tổ vay vốn thuộc ấp 1 đến tìm hiểu và giúp ông tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH. Với khoản vay 10 triệu đồng, ông mua thêm heo con về dưỡng thành heo giống. Heo con được đẻ ra, ông nuôi thành heo thịt. Tiền bán các lứa heo thịt, ông dành cho nạo vét đầm tôm đầu tiên với diện tích 3.000m2, nuôi tôm thẻ chân trắng vào năm 2012. Mùa đầu tiên nuôi tôm, ông lãi 30 triệu đồng. Cứ vậy, tiền lãi từ nuôi tôm, ông tiếp tục đầu tư nạo vét các đầm tôm còn lại và nuôi heo.
Tiền vốn vay từ NHCSXH như chiếc cần câu, giúp gia đình ông thoát nghèo vào năm 2013. Năm 2014, gia đình ông thu lãi 250 triệu đồng từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, 4 đầm tôm ông đang chăm sóc gần 2 tháng tuổi và đang hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cho biết, tổng số vốn mà Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang quản lý từ vốn vay NHCSXH trên 10 tỉ đồng. Từ nguồn vốn vay này, hội viên đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, không ít chị em thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Chị Lê Thị Trường Hận, ngụ ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành là một điển hình. Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị khá khó khăn, gia đình có 5 nhân khẩu, ruộng đất ít, nghề nghiệp không ổn định, 2 con nhỏ còn đi học.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giúp chị vay 6 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này, chị đầu tư cho sản xuất lúa trên diện tích 1,5 công đất và cải tạo hơn 1 công đất vườn tạp thành vườn rau diếp cá. Mỗi năm, chị sản xuất lúa 2 vụ, vườn rau diếp cá cứ hơn 1 tháng thu hoạch khoảng 600kg. Hiện tại, căn nhà cũ được thay bằng ngôi nhà tường vừa xây dựng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Gia đình chị vừa được công nhận thoát nghèo. Để giúp chị thoát nghèo bền vững, nguồn vốn từ NHCSXH cũng nâng mức cho vay lên 30 triệu đồng.
Tiếp vốn thông qua quỹ hỗ trợ nông dân
Long An hiện có Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), tính đến hết tháng 9-2015, tổng nguồn vốn quỹ khoảng 15,9 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn huyện khoảng 3,6 tỉ đồng, nguồn vốn tỉnh khoảng 4,1 tỉ đồng và vốn Trung ương đưa về hơn 8,1 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Phạm Minh Hùng, thông qua nguồn vốn vay này, các cấp hội có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức hội.
TP.Tân An hiện có 3 dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò sữa tại xã Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung và Lợi Bình Nhơn, được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương với số tiền 1,1 tỉ đồng, có 47 hộ vay.
Vườn rau diếp cá của Chị Lê Thị Trường Hận
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm - Huỳnh Văn Sơn cho biết, Bình Tâm hiện có 15 hộ được vay 300 triệu đồng từ Quỹ HTND Trung ương. Từ nguồn vốn trên, đàn bò của các hộ này tăng đàn và phát huy hiệu quả, tạo thu nhập khá bền vững cho nông dân.
Điển hình như anh Nguyễn Văn Hiến, ngụ ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, nuôi bò sữa được hơn 8 năm, ban đầu chỉ 1-2 con bò mẹ sinh sản và cho sữa. Anh được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH với số tiền 20 triệu đồng, đến năm 2014, anh được hỗ trợ vốn từ Quỹ HTND 20 triệu đồng. Từ số tiền này, anh mua thêm bò con dưỡng thành bò sinh sản, đến nay, đàn bò sinh sản tăng lên 11 con. Hiện tại, anh Hiến có 4 con bò đang cho sữa, bình quân mỗi ngày thu 60 lít sữa. Theo anh, vốn vay từ các nguồn giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.
Tiếp tục khơi thông nguồn vốn Ông Võ Văn Vị - Tổ trưởng Tổ vay vốn thuộc ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước: Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, không ít hộ trên địa bàn xã Phước Đông thoát nghèo. Tuy nhiên, thoát nghèo chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là làm sao để những hộ dân thoát nghèo không còn tái nghèo. Mong muốn của hầu hết nông dân là tiếp tục được vay vốn và được vay với số tiền lớn hơn, thời gian dài hơn để có điều kiện củng cố thêm nguồn vốn cho gia đình. Ông Đặng Văn Điền - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An: Dự kiến năm 2016, nguồn vốn giải ngân cho các chương trình tăng trưởng 10%. Để nguồn vốn chính sách tiếp tục đến với người dân, ngân hàng hiện có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng từ cơ sở; nắm chắc nhu cầu vay vốn, đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An: Để quản lý và phát triển tốt nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp hội tiếp tục rà soát, vận động xây dựng quỹ ngày càng phát triển để có nhiều nông dân được tiếp cận, tạo thêm việc làm cũng như thu nhập bền vững cho nông dân./. |
Mai Hương