Bảo tàng Long An - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống
Bảo tàng Long An (phường 4, TP.Tân An) là địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật còn sót lại trong quá trình chinh phục thiên nhiên, chiến đấu, bảo vệ quê hương, xây dựng và phát triển của cộng đồng dân cư trên đất Long An.
Bảo tàng tỉnh Long An (Ảnh: Tấn Phát)
Trải qua hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng Long An sưu tầm, tích lũy một số lượng hiện vật, tài liệu rất lớn, qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, công tác khai quật các di chỉ khảo cổ mang lại cho bảo tàng nguồn hiện vật đồ sộ, trong đó có những hiện vật vô cùng quý hiếm, có giá trị tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo: Vàng, hạt chuỗi, gốm, đá, di cốt người cổ, các loài động vật cổ,...
Nơi đây còn lưu giữ những hiện vật trong 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là nguồn tư liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Những hiện vật quý được sưu tầm (Ảnh TL)
Bảo tàng Long An hiện lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu quý về lịch sử, văn hóa và khảo cổ. Với diện tích tổng thể hơn 8.540m2, hệ thống trưng bày của bảo tàng được chia làm 2 khu: Ngoài trời và trong nhà.
Khu ngoài trời trưng bày những hiện vật có thể khối lớn như máy bay, các khẩu pháo,... Khu trưng bày trong nhà chia làm 5 phòng với các chuyên đề: Khảo cổ học trên đất Long An: Giới thiệu các di tích khảo cổ và di vật gắn liền với thời kỳ tiền sử, Óc Eo trên đất Long An. Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Giới thiệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Long An, gồm 3 giai đoạn: Trước khi thành lập Đảng; giai đoạn 1930-1945 và giai đoạn 1945-1954. Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng và truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân - dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua hệ thống hình ảnh, tài liệu khoa học, đặc biệt là những hiện vật gốc mang đậm dấu ấn địa phương. Mỹ thuật truyền thống: Trưng bày các sản phẩm gỗ điêu khắc độc đáo, tinh xảo của các nghệ nhân chế tác cùng các hiện vật trong bộ sưu tập tượng Phật, bộ sưu tập gốm dân dụng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mỹ thuật kháng chiến: Là phòng giới thiệu những tác phẩm đề tài kháng chiến do các họa sĩ trực tiếp tham gia kháng chiến thể hiện trên nhiều chất liệu phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân Long An.
Bút tích nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ghi trong Sổ vàng Bảo tàng Long An
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Bảo tàng Long An (Ảnh TL)
Tiến sĩ khảo cổ học Bùi Phát Diệm - nguyên Giám đốc Bảo tàng Long An, cho biết: “Bảo tàng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, yêu thích sưu tầm, nghiên cứu những giá trị cổ xưa. Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa trên thế giới thì công tác bảo tồn, bảo tàng cần phải được chú trọng để làm nền tảng gìn giữ gốc rễ văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc”./.
Tấn Phát
- Tôn vinh nét đẹp, sự hấp dẫn của nghệ thuật cải lương (02/11)
- Pleiku sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa-Du lịch 2024 (01/11)
- Cánh hoa Chùa Tháp (01/11)
- NSƯT Vương Tuấn - Người 'có duyên' với các vai nhân vật lịch sử (01/11)
- Tác giả Nguyễn Văn Bớt: Yêu quê hương qua từng bài hát (01/11)
- Vẳng tiếng thời gian (01/11)
- Góc ảnh 'Long An quê hương tôi': 'bản giao hưởng' phương Nam (01/11)
- Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới mở cửa ngày 01/11, vào tham quan miễn phí (01/11)