Việc tang là phong tục, tập quán có từ lâu đời và tuân theo những quy định. Trong từng thời kỳ, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang được hình thành, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong khu dân cư.
Đám tang tại các địa phương được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Từ việc khai tử đúng quy định đến việc tổ chức lễ tang, phúng viếng bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, không để quá nhiều ngày, nhiều hủ tục trong đám tang như lăn đường, yểm bùa, khóc mướn, rải vàng mã,... giảm đáng kể. Một số dịch vụ tang lễ được hình thành đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và góp phần thực hiện văn minh trong tang lễ. Tuy nhiên, một số nơi do công tác chỉ đạo, quản lý và tuyên truyền, giáo dục thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang chưa tốt nên còn nhiều hiện tượng không lành mạnh như xem bói, rải vàng mã, khóc mướn, sử dụng nhạc tang quá giờ,... ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, thuần phong mỹ tục và mỹ quan đô thị.
Để việc tang đi vào nền nếp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt và phát huy nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang, tổ chức việc tang phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền, dân tộc, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, gọn nhẹ, văn minh và kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan.
Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự tham gia ủng hộ của người dân trong việc phát huy nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang góp phần xây dựng đời sống văn hóa và đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư./.
Khôi Nguyên