Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hầu hết các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, DN Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những DN cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn. Theo Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm An Long - Huỳnh Tuân Phương Mai, sau dịch bệnh, Cty đã nỗ lực nhiều hơn trong tìm kiếm cơ hội, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Cty có nhiều thuận lợi hơn các DN khác là có bến cảng thủy nội địa tại Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang nên dễ dàng cho hoạt động lên xuống hàng hóa, giảm chi phí đầu tư.
Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty An Long
9 tháng năm 2020, Cảng nội địa Cty An Long đã tiếp nhận 28 chuyến tàu với tải trọng 3.000 tấn/chuyến. Tổng giá trị nhập khẩu hơn 45 triệu USD. Đồng thời, cũng tại bến cảng này, Cty đã xuất khẩu 22.000 tấn dầu ăn với giá trị hơn 18 triệu USD sang Campuchia. Theo bà Huỳnh Tuân Phương Mai, để ổn định kinh doanh sau dịch, Cty đã áp dụng nhiều chiến lược kinh doanh mới cũng như chính sách bán hàng phù hợp nhằm kích thích thị trường. Qua đó, trong 9 tháng, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Cty đạt 70.000 tấn, doanh thu đạt hơn 1.300 tỉ đồng. Song song đó, Cty nộp ngân sách 106 tỉ đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm 2019. Nhờ vậy, Cty có điều kiện chăm lo đời sống người lao động tốt hơn, thu nhập người lao động tăng 20% so với năm 2019, đạt mức bình quân 8,6 triệu đồng/người/tháng.
Là DN có vốn đầu tư nước ngoài, Cty TNHH MTV Semitec Electronics đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Khu nhà xưởng Kizuna (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc) chuyên sản xuất linh kiện điện tử (cảm biến nhiệt độ) dùng cho các thiết bị đo nhiệt độ như xe ôtô, thiết bị OA và thiết bị gia dụng. Theo đại diện Cty, đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc sau dịch nhờ phòng, chống dịch bệnh rất hiệu quả. Các DN cũng được hưởng lợi từ điều này.
Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty Semitec Electronics
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, đại diện Cty, cho rằng, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 ở các nước khác nên nhiều đơn hàng của các Cty thành viên tại các nước khác được Cty mẹ điều chuyển về Việt Nam. Bởi, Việt Nam là ứng viên sáng giá khi nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới và kiểm soát tốt dịch bệnh. Nếu như thời điểm trước dịch bệnh, bình quân mỗi tháng, Cty chỉ sản xuất từ 2,5-2,8 triệu sản phẩm thì nay, Cty sản xuất từ 3-3,5 triệu sản phẩm/tháng mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Để có thể đáp ứng tốt đơn hàng cho khách, Cty đã thu tuyển thêm 200 công nhân, nâng tổng số công nhân lên hơn 570 người. Để khuyến khích người lao động gắn bó, an tâm với công việc, ngoài các chế độ thường xuyên được hưởng, công nhân cũng được tăng lương, bình quân hiện nay khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, hiện tại, một số nước dịch bệnh bùng phát trở lại khiến việc sản xuất của các Cty thành viên khó khăn. Vì vậy, Cty đang nỗ lực nhiều hơn để bảo đảm sản xuất, đồng hành vượt khó cùng Cty mẹ tại nước ngoài. Do đó, Cty đang tiến hành mở rộng sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo dự báo, hiện dịch bệnh trở lại bùng phát tại nhiều nước, đây cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho DN Việt Nam biết nắm bắt cơ hội. Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, bà Huỳnh Tuân Phương Mai chia sẻ, Cty An Long đang đẩy mạnh kênh tiếp thị hàng hóa, đào tạo nhân sự để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, bà mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ Cty sớm triển khai dự án Cụm công nghiệp An Nhựt Tân để có thể mở rộng, nâng công suất và đầu tư chiều sâu để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, phục vụ tốt hơn người tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.
Gia Hân