Tiếng Việt | English

06/04/2019 - 19:22

Doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để các quốc gia, doanh nghiệp tiệm cận và bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số.

Các diễn giả tham dự Diễn đàn CEO 2019. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Tại Diễn đàn CEO 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Không thể chậm trễ hơn, các doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.”

Theo Phó Thủ tướng, đổi mới sáng tạo chính là con đường ngắn nhất để các quốc gia, doanh nghiệp tiệm cận và bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số.

Tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể hiểu là việc sử dụng công nghệ, trong đó chủ yếu là công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh từ khâu quản trị, sản xuất, marketing đến bán hàng...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Cuộc cách mạng xảy ra mà tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.”

Về việc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, rất nhiều thứ chỉ đơn giản chỉ là... làm ngược lại. Ví như tư tưởng cũ là học trước, làm sau thì nay sẽ làm trước, học sau.

Bởi, theo Bộ trưởng, do “cái mới” chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử. Thông thường, một doanh nghiệp có được việc trước rồi tuyển nhân sự, song giờ đây họ lại phải tìm người phù hợp trước rồi mới nghĩ đến làm gì. Vì việc làm “mới” nên cần phải có những con người đam mê và khám phá.

Minh chứng cho thấy, trước đây những “ông lớn” phô trương sức mạnh bằng sự đông người thì nay sức mạnh của những “gã khổng lồ” là phản ứng nhanh, chuyển động nhanh và rất ít người.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các nhà quản trị, điều hành công ty cần khẩn trương có những cách tiếp cận mới trong bối cảnh hiện nay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn và phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Công nghệ mới và tính phá hủy

Trong bối cảnh ngày nay, điều gì đã khiến cho những “đế chế” thành công trước đây đi đến sự sụp đổ, như trường hợp "gã khổng lồ của quá khứ" Nokia là một ví dụ điển hình?

Thông thường, những công nghệ mới mang tính đột phá được các công ty thành công nhất phát triển đầu tiên. Tuy nhiên ở bước kế tiếp, đội ngũ marketing hùng hậu của họ sẽ thăm dò phản ứng thị trường. Và, khi họ nhận thấy công nghệ mới không nhận được sự ủng hộ do các sản phẩm cũ đang rất tốt và được quen dùng, các công ty này quay về thúc đẩy các công nghệ mang tính duy trì, cải tiến sản phẩm, nâng cao hiệu suất nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Đối với các công ty mới, họ ra đời dựa vào công nghệ mới đột phá. Con đường của họ là phải thăm dò thị trường và khách hàng. Và, đối tượng của họ thường ở phân khúc thấp, bằng một quá trình thử nghiệm và chấp nhận sai. Tuy nhiên từ đây, hàng loạt các ứng dụng mới, sản phẩm mới có tầm ảnh hướng mới được hình thành. Và, với đà đó, các công ty mới này đã tiến thẳng lên các thị trường cao cấp.

Kết quả, các công ty lớn nhập cuộc trễ hoặc quá trễ đã để mất khách hàng cơ bản và sự “đổi ngôi” đã xảy ra.

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chỉ ra: “Sự đổi mới sáng tạo thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới với công nghệ mới mang tính đột phá.”

Điều này có nghĩa là, kể cả các công ty lớn cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận. Một quy trình ba bước được Bộ trưởng nêu ra: Thứ nhất thúc đẩy các công nghệ và thị trường mới để nó trở thành đủ lớn. Thứ hai, chờ cho thị trường mới, công nghệ mới trở nên rõ nét và gia nhập thị trường đủ lớn, có tính hấp dẫn. Cuối cùng, giao trách nhiệm thương mại hóa công nghệ đột phá cho các bộ phận mới, đủ nhỏ để hiệu suất kinh doanh của chúng chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới.

Các công ty lớn nếu nhập cuộc trễ hoặc quá trễ sẽ mất khách hàng cơ bản và sự “đổi ngôi” sẽ xảy ra. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Đổi mới sáng tạo… là then chốt

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới – WIPO, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã được cải thiện với vị trí thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế trong năm 2018, vị trí này đã tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 14 bậc so với năm 2016.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam đang còn yếu ở các chỉ số thuộc “nhóm đầu vào” của đổi mới sáng tạo. Đó là trường kinh doanh, xếp hạng các trường đại học, việc làm thâm dụng tri thức, tỷ lệ lao động nữ có trình độ, số lượng đăng ký sáng chế quốc tế theo hệ thống Hiệp ước hợp tác sáng chế, xuất/nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, do đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo sự chuyển động thật sự trong thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội,” Bộ trưởng cam kết.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên không nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính toàn cầu. Mặc dù, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng bên cạnh đó là cơ hội và vận hội mới để bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của nền kinh tế. Trong năm 2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạchvà Đầu tư phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đầu tiên của Việt Nam.

“Tôi cảm nhận sự chuyển động tích cực, mạnh mẽ về đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp ở trong chính tư duy và hành động cụ thể của các nhà điều hành, những người hàng ngày chèo lái con thuyền và đưa doanh nghiệp hướng tới phát triển,” Phó Thủ tướng chia sẻ./.

Diễn đàn CEO 2019 là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình thường niên lần thứ 18 - Liên hoan các Doanh nghiệp Rồng Vàng & Thương hiệu mạnh Việt Nam 2019 với chủ đề “Vị thế mới – Cơ hội mới,” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, ngày 05 và 06/4.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết