Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, hiện toàn thị xã có 7.755ha lúa chất lượng cao, sản xuất lúa 2 vụ/năm; trong đó có 3.350ha lúa ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở 5 xã: Thạnh Hưng, Bình Hiệp, Tuyên Thạnh, Bình Tân và Thạnh Trị. Xã Thạnh Hưng là địa phương có phần lớn diện tích nằm trong vùng quy hoạch. Toàn xã có 10 vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 3.712ha. Thời gian qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, đầu tư hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh, mương nội đồng, xây dựng các trạm bơm điện phục vụ sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Lê Minh Dũng cho biết: “Đại đa số người dân trên địa bàn bắt đầu thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và sản lượng lúa địa phương ngày càng tăng. Xã cũng thường xuyên định hướng cho nông dân sản xuất các giống lúa theo quy trình VietGAP, tuân thủ các quy trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, nhờ đó sản lượng lương thực của xã năm 2018 đạt trên 31.000 tấn (đạt 100% kế hoạch), thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm”.
Ông Lê Thành Siêu, ngụ ấp Bàu Môn, xã Thạnh Hưng, chia sẻ: “Trước đây, nông dân chưa tiếp cận các hình thức sản xuất tiên tiến nên lúa thường xuyên bị sâu, bệnh gây hại, năng suất rất thấp. Sau khi xã xây dựng vùng lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân cao hơn so với ngoài mô hình từ 4 - 5 triệu đồng/ha, đầu ra ổn định, đời sống được nâng lên nên nông dân phấn khởi lắm!”.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng cho biết: “Đến nay, toàn thị xã xây dựng được 52 ô đê bao khép kín với tổng diện tích đê bao 10.411ha, trong đó gần 100% diện tích trong vùng quy hoạch đã có đê bao, 100% diện tích được bơm tưới chủ động với 5 trạm bơm điện và 46 công trình thủy lợi. Việc sản xuất, nhân giống các giống lúa chất lượng cao được các ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm. Năm 2018, sản lượng lúa của thị xã đạt trên 175.000 tấn (đạt 100,3% so kế hoạch và bằng 102,8% so cùng kỳ), lợi nhuận bình quân đạt trên 26 triệu đồng/ha”.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp thị xã còn tập trung tuyên truyền và khuyến cáo nông dân trong vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất từ giống lúa chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao và đạt cấp xác nhận. Mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, toàn thị xã có 50% lúa chất lượng cao trong tổng sản lượng lương thực - ông Võ Thanh Tòng cho biết thêm.
Phát huy lợi thế, tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản
Song song với phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nhiệm kỳ 2015-2020, thị xã Kiến Tường xác định phát triển thủy sản theo hướng ổn định, bền vững. Khai thác tốt lợi thế, tiềm năng về nuôi trồng thủy sản của địa phương là 1 trong 3 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thị xã lần thứ XI.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn thị xã năm 2018 đạt 123,3ha (bằng 108,9% so với cùng kỳ), trong đó nuôi cá tra 75,8ha, ươm giống cá tra 30,1ha, cùng các loại thủy sản khác. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt trên 16.000 tấn. Trong đó, thủy sản khai thác là 142,5 tấn, thủy sản nuôi đạt trên 16.000 tấn.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã - Nguyễn Hùng Dũng cho biết: “Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản có từ lâu tại vùng Đồng Tháp Mười, người nuôi đạt những hiệu quả nhất định nhưng đa phần nuôi theo hướng tự phát, nhỏ, lẻ, không phát triển đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng cũng như thế mạnh của vùng, chưa tạo ra được thương hiệu riêng biệt. Người nuôi thường chỉ tập trung nuôi bán thâm canh hoặc kết hợp với mô hình V-A-C để tăng thu nhập chứ chưa phát triển chuyên sâu. Qua khảo sát, hầu hết người nuôi thủy sản hiện nay trên địa bàn thị xã thiếu vốn sản xuất, chất lượng con giống thả nuôi không ổn định và đầu ra cũng luôn là một vấn đề với người nuôi, ảnh hưởng đến tính ổn định của nghề”.
Khai thác tốt lợi thế, tiềm năng về nuôi trồng thủy sản của địa phương
“Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp thị xã đẩy mạnh các giải pháp nhằm định hướng nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời, thị xã cũng kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Tại xã Thạnh Hưng, Công ty TNHH Thủy sản Đại Đại Thành đầu tư mô hình nuôi cá tra khép kín, sản phẩm xuất khẩu với quy mô 49,3ha. Hiện doanh nghiệp này đang mở rộng diện tích thả nuôi. Đây cũng là tín hiệu vui khẳng định việc phát triển thủy sản trên địa bàn thị xã bước đầu cho hiệu quả” - ông Dũng cho biết thêm.
Ngoài những chỉ tiêu phát triển KT-XH, việc thực hiện các chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thị xã Kiến Tường quyết tâm hoàn thành, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết./.
Tuấn Hùng