Tiếng Việt | English

01/12/2015 - 11:03

Doanh nghiệp Việt Nam và Pháp gặp gỡ tìm kiếm cơ hội đầu tư

Ngày 30/11, tại Paris (Pháp) giới doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.

Ngày 30/11 tại Paris, Cơ quan đầu tư quốc tế thuộc Hiệp hội các chủ doanh nghiệp Pháp (MEDEF international) phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ trao đổi về cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại giữa các đại diện giới doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trong bối cảnh chuẩn bị ký chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, dẫn đầu đoàn Việt Nam.

Về phía Pháp có ông Thierry de Margerie, Phó Chủ tịch MEDEF, Cố vấn của Tổng thống, người điều phối cuộc gặp; bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, ông Philippe Varin, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao tại ASEAN.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ

Tiếp theo diễn văn khai mạc của ông Thierry de Margerie, bà Martine Pinville và ông Philippe Varin nêu bật ý nghĩa của việc tổ chức cuộc gặp gỡ này. Bằng việc điểm lại mối quan hệ đối tác kinh tế - thương mại Pháp - Việt Nam, các đại diện Pháp coi đây là bước tiếp theo các hoạt động giao lưu gần đây của giới doanh nghiệp hai nước nhằm tìm kiếm các cơ hội làm ăn. Cuộc gặp lần này đặc biệt hơn khi EVFTA chuẩn bị được ký.

Bà Martine Pinville nhấn mạnh: "Hiệp định sẽ dẫn tới xóa bỏ những hàng rào thuế quan, mở cửa rộng lớn hơn thị trường, ổn định hơn điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp chúng ta. Cần nhấn mạnh rằng chúng tôi chưa có những hiệp định tương tự với các nước ASEAN khác, ngoại trừ Singapore là một trường hợp khá đặc biệt. Do đó, tôi tin tưởng rằng trong bối cảnh này, mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ".

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng điểm lại chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam; những nội dung cơ bản của EVFTA; mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Pháp và tìm kiếm những cơ hội làm ăn trong tương lai, trong khuôn khổ EVFTA.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại cuộc gặp gỡ (đứng bên phải)

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách "Đổi mới", mở cửa và hội nhập kinh tế - thương mại với thế giới. Để hiện thực hóa chính sách đó, Việt Nam đã tham gia các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế như AFTA, APEC, WTO... và tiến hành đàm phán, ký kết một loạt các hiệp định tự do trao đổi song phương và đa phương. Kể từ năm 2012, Việt Nam đã đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới" như FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), hay mới đây là kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), sẽ chính thức ký kết thúc đàm phán tại Brussels vào 2/12 tới.

Như vậy, sau khi ký EVFTA, Việt Nam sẽ có hiệp định thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc khối G20 và toàn bộ các nước thuộc G7.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Với EVFTA, đây là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp 2 bên, trong đó có các doanh nghiệp Pháp. EVFTA là một hiệp định có tiêu chí cao hơn so với các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đặc biệt trong các lĩnh vực như: quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý... Dịch vụ, đầu tư cũng được mở rộng hơn. Tôi đề nghị các doanh nghiệp Pháp, Chính phủ Pháp ủng hộ để hiệp định nhanh chóng được phê chuẩn trong nội bộ và có hiệu lực".

Về quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Pháp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Pháp có vị trí hàng đầu trong EU về trao đổi thương mại và đầu tư tại Việt Nam với kim ngạch trao đổi hai chiều đạt khoảng 3,7 tỷ USD, số đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Việt Nam, trong đó có những cái tên đã quen thuộc như: Ereva, Casino, EDF, Airbus...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng lưu ý: "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, quy mô của hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị và mong muốn của chính phủ và nhân dân 2 nước... Vì vậy, chúng tôi mong muốn và hoan nghênh các doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà chúng tôi cần về công nghệ và vốn đầu tư".

Cũng trong cuộc gặp này, các đại diện doanh nghiệp Pháp và Việt Nam đã cùng nhau tự giới thiệu, trao đổi các điều kiện và cơ hội làm ăn trong thời gian tới, sau khi ký kết EVFTA./.

Thái Dương/VOV 

Chia sẻ bài viết