Tiếng Việt | English

07/04/2022 - 09:46

Độc đáo Lễ hội Điện Huệ Nam

Nằm trong khuôn khổ Festival Huế năm 2022, Lễ hội Điện Huệ Nam thực hiện lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ từ trụ sở Ban Điều hành Lễ hội (352 Chi Lăng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến khu vực Nghinh Lương Đình, sau đó đoàn rước di chuyển bằng thuyền trên sông Hương lên Điện Huệ Nam. Lễ hội này nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà sung túc.

Những hoạt động diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam

Những hoạt động diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam

Mảnh đất Thừa Thiên-Huế từng là một bộ phận của vương quốc Chăm Pa, sau được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, rồi trở thành thủ phủ và kinh đô của 3 thế lực phong kiến Việt Nam (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và Triều Nguyễn). Chính bối cảnh đặc biệt đó đã sản sinh những nét đặc trưng về văn hóa trên mảnh đất này và một trong số đó là tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo.

Người theo tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo thờ Thánh Mẫu. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thờ cả Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương,... Tín ngưỡng này không kinh điển cùng luật lệ chính thức. Sinh hoạt của tín đồ mang tính tự phát, tự túc, tự nguyện. Dăm bảy hoặc vài chục tín đồ họp thành “phổ”, cứ đến ngày 14, rằm, 30, mùng 1 Âm lịch mỗi tháng thì tới một am miễu nhất định để dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo liên quan đến Hội Sơn Nam, là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn. Hội Sơn Nam gắn kết chặt chẽ với ngôi Điện Huệ Nam.

Điện Huệ Nam vốn là ngôi đền thờ Poh Nagar của người Chăm (hiện tọa lạc núi Ngọc Trản thuộc phường Hương Hồ, TP.Huế). Theo truyền thuyết dân gian Chăm Pa, Poh Nagar là vị thần đã tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Do đó, Poh Nagar được người Chăm gọi là Nữ thần Mẹ xứ sở. Người Việt sau đó đã “bản địa hóa” nữ thần Poh Nagar thành nữ thần Thiên Y A Na (Thiên Hậu Thánh Mẫu). Năm 1802, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhà Nguyễn tấn phong cho nữ thần danh hiệu “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”.

Có giai thoại kể lại rằng: Vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn trong một lần lên Hương Uyển sơn đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc, trả lại cho nhà vua. Hương Uyển sơn sau đó có tên là núi Ngọc Trản (chén ngọc). Bởi vậy, thời vua Minh Mạng, ngôi điện thờ trên núi Ngọc Trản được vua ưu ái cho tu sửa và mở rộng vào tháng 3/1832 và 2 năm sau đó được trùng tu lần nữa. Điều thú vị là sau giai thoại về việc vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc và được rùa thần trả lại, ngôi điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na trên núi Ngọc Trản được dân gian gọi là Điện Hoàn Chén và thường bị đọc không đúng là Điện Hòn Chén.

Vào năm 1886, vua Ðồng Khánh thời nhà Nguyễn cho xây lại điện thờ trên núi Ngọc Trản và đổi tên ngôi đền là Điện Huệ Nam (ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam) để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm vua. Vua Đồng Khánh đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu. Đến năm 1953, Đức Từ Cung (mẹ cựu hoàng Bảo Đại) lúc bấy giờ là Hội trưởng Hội Quý tế Điện Huệ Nam đã đưa Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thờ trong Điện Huệ Nam.

Ngày nay, Điện Huệ Nam là 1 trong 16 công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11-12-1993. Điện Huệ Nam cũng được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1998. Lễ hội Điện Huệ Nam thì được xem là một festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết