Tiếng Việt | English

16/02/2022 - 10:35

Lễ hội trong dịch bệnh: Người dân vẫn cúng, viếng theo niềm tin tín ngưỡng

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay là năm thứ 3 các lễ hội trên địa bàn tỉnh chỉ tổ chức nội bộ, giữ lại phần lễ, không có phần hội. Dù có phần tiếc nuối nhưng vì sức khỏe của cộng đồng, việc giới hạn quy mô lễ hội là việc phải làm.

Lễ hội trong dịch bệnh, người dân vẫn cúng, viếng theo niềm tin tín ngưỡng

Từ trước Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 31/12/2021 về việc Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động đón Tết Nhâm Dần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trong đó có nội dung tạm dừng các hoạt động lễ hội, bắn pháo hoa trước, trong và sau tết.

Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Công văn 243/SVHTTDL-QLVHGĐ gửi phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ, người dân đến thực hiện nghi lễ cúng viếng lành mạnh, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không tổ chức ăn uống và hoạt động kinh doanh, ăn uống trong khu vực diễn ra lễ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc cho biết: “Bên cạnh việc hướng dẫn các địa phương, cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm việc tổ chức lễ hội, đặc biệt tại các địa điểm lễ hội tập trung đông người: Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành, Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Chùa Nổi,... Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra đột xuất một số địa điểm dễ phát sinh tụ tập đông người nhằm bảo đảm mùa lễ hội năm nay vui tươi, an toàn phòng dịch”.

Tấm biển không tổ chức lễ hội đã được treo tại đình Tân Xuân

Theo ông Quốc, quan điểm của mùa lễ hội năm nay, tỉnh vẫn mở cửa các cơ sở thờ tự, tổ chức lễ cúng nội bộ để người dân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, niềm tin của mình trong khuôn khổ tuân thủ tốt khuyến cáo phòng, chống dịch, không tập trung đông người, giảm đến thấp nhất có thể số lượng người trong chánh điện trong cùng thời điểm. Đối với các lễ hội: Làm Chay, Vía Bà Ngũ Hành, lễ hội có sự phối hợp nhiều nghi lễ khác nhau trong phần lễ, trong đó, các nghi lễ: Múa bóng rỗi cúng Bà tại Lễ hội Vía Bà và nghi lễ xô giàn đốt Ông Tiêu tại Lễ hội Làm Chay là nghi lễ nhưng người dân được chứng kiến, cộng hưởng tâm linh. Những nghi lễ này có yếu tố cộng đồng rất cao, là hoạt động thu hút nhiều người, khó kiểm soát nên sẽ giản tiết trong lễ hội năm nay.

Theo chị Hạnh, dù có tổ chức lễ hội hay không thì chị vẫn dâng hoa lên đình bởi đó là tấm lòng của chị

Đây là năm thứ 3 các lễ hội không được tổ chức, người dân có tâm lý buồn và tiếc nuối nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên luôn nêu cao ý thức chấp hành quy định. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (khu phố 3, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) cho biết, lễ hội không được tổ chức thì cũng buồn nhưng sức khỏe là điều quan trọng hơn.

Chị nói: “Ở đây mọi người đều chờ đợi Lễ hội Làm Chay vì ai cũng tin tưởng năm nào lễ hội sung túc, đông vui, mọi người sẽ làm ăn được nhưng vì tình hình dịch bệnh phải chấp nhận, quan trọng vẫn là lòng thành kính. Những năm trước, lễ hội được tổ chức, tôi thường phụng cúng toàn bộ hoa cúng, trang trí trong đình; năm nay không tổ chức lễ hội, đình không trang trí thì tôi cúng hoa trên các bàn thờ, cũng là cách thể hiện tấm lòng của mình”.

Tại khu vực đình Tân Xuân và miếu Bà Ngũ Hành, tấm biển thông báo không tổ chức lễ hội đã được căng lên. Thêm một mùa lễ hội tổ chức trong lặng lẽ, tuy nhiên, đây là điều cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người trong tình hình dịch bệnh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích