Trải bao giai đoạn lịch sử, phát triển, câu nói của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Học là cách để làm giàu tri thức, các kỹ năng, vốn sống. Có nhiều cách học, trong đó văn hóa đọc được xem là “trường học” lớn.
Góp sức giữ gìn, phát huy và nhấn mạnh vai trò của văn hóa đọc, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 được phát động với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 diễn ra từ ngày 01 đến 07/10/2024 trên khắp cả nước với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Tại Long An, Tuần lễ diễn ra với hình thức, nội dung phù hợp điều kiện và tình hình thực tế. Trong đó, hoạt động tuyên truyền về Tuần lễ được chú trọng với đa dạng hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,... Các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học; khuyến khích học sinh, sinh viên đọc tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời. Hội sách giới thiệu sách mới, thành lập các câu lạc bộ đọc sách, báo theo chủ đề, độ tuổi; các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện từ sách, báo,... cũng là những hoạt động thiết thực để lan tỏa văn hóa đọc, khuyến khích mọi đối tượng cùng đọc để học suốt đời.
Với nhiều hoạt động, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay cũng là lời kêu gọi mọi đối tượng phải “học, học nữa, học mãi”, học bằng nhiều phương tiện, công cụ, hình thức, trong đó có học qua con đường đọc sách, báo, tài liệu,...
Vì sao phải “học, học nữa, học mãi”? Phải chăng học kiến thức văn hóa từ nhà trường đã là đủ hành trang vào đời? Nhiều người từng đặt câu hỏi như thế và tự cho rằng, sau khi tốt nghiệp, đi làm là có thể tạm dừng việc học. Tuy nhiên, suy nghĩ đó hoàn toàn lệch lạc và chưa đúng đắn. Sự học của mỗi người là một hành trình dài không có điểm kết thúc. Càng học, mỗi người sẽ càng giàu có. Đó là giàu về kiến thức, vốn sống, tâm hồn, cảm xúc, kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Nhà văn Dr. Seuss từng nói: “Bạn đọc càng nhiều thì sẽ biết càng nhiều. Bạn học càng nhiều thì bạn sẽ đi càng nhiều”. Nghĩa là, từ xưa đến nay, những kiến thức được lưu giữ, thể hiện qua từng trang sách đều chứa đựng những thông tin, giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, chứa đựng tình cảm, những vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, đọc càng nhiều thì càng hiểu biết sâu, rộng, vốn sống ngày càng mở rộng. Khi đó, mỗi người cũng là một công dân tự học có nhiều tri thức, trí tuệ, kỹ năng, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.
Ngày nay, công nghệ phát triển, văn hóa đọc cũng trở nên đa dạng hình thức, được lựa chọn phù hợp với thành phần, độ tuổi. Những cán bộ, đảng viên cao niên, người cao tuổi hàng ngày vẫn đọc sách giấy, báo in như một cách để học tập suốt đời, tích lũy kiến thức, tiếp cận thông tin địa phương, trong nước và quốc tế. Còn những người trẻ với thế mạnh am hiểu, dễ dàng sử dụng công nghệ hiện đại đã chọn sách nói, nghe podcast, đọc qua mạng,... như một kênh để học, làm giàu tri thức, kỹ năng. Dù đọc theo hình thức nào thì văn hóa đọc vẫn mang lại giá trị tốt đẹp, là hình thức học hiệu quả bởi “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. Mỗi người khi trở thành một “đại sứ” văn hóa đọc sẽ là một công dân học tập góp phần lan tỏa, xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội học tập.
Cuộc sống không ngừng thay đổi, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, mỗi người phải tự trang bị tri thức, vốn hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng. Và văn hóa đọc sẽ là môi trường tự học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ quan trọng, mang lại hiệu quả thật sự. Văn hóa đọc là con đường thúc đẩy học tập suốt đời mà mỗi công dân nên duy trì, phát huy trong mọi thời đại./.
Thùy Hương