Doanh nghiệp là động lực chính
Thời gian qua, Long An thu hút đầu tư khá nhanh. Năm 2024, tỉnh có hơn 2.000 DN thành lập mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 19.200 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 390.919 tỉ đồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 8,3%, đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với mức tăng trưởng kinh tế này, cộng đồng DN, doanh nhân được nhận định là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng cho phát triển KT-XH.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các DN trong môi trường thương mại quốc tế lẫn trong nước ngày càng gay gắt, không ít DN trên địa bàn tỉnh nhanh nhạy trong phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần Khuôn chính xác Minh Đạt (huyện Bến Lức) được đánh giá cao về chuyển đổi, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất
Công ty (Cty) Cổ phần Khuôn chính xác Minh Đạt (Cty MIDA, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) là một trong những DN được đánh giá cao về chuyển đổi, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Cty MIDA được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao vào năm 2019.
Hiện Cty chuyên cung cấp một số giải pháp toàn diện từ thiết kế và sản xuất hoàn thiện các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng như khuôn ép chính xác, linh kiện nhựa kỹ thuật, nhựa y tế, công nghiệp phụ trợ và bao bì cho ngành gia vị, trang trí và lắp ráp sản phẩm hoàn thiện theo nhu cầu.
Giám đốc Kinh doanh Cty MIDA - Trần Quốc Vũ cho biết, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành yêu cầu tất yếu phát triển của mỗi DN. Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi DN không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần Khuôn chính xác Minh Đạt (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh, quy mô, hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển bền vững, thời gian qua, Cty MIDA đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc công nghệ cao phục vụ sản xuất. Với máy gia công CNC 5 trục chính xác bật nhất từ YASDA thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản. Máy có độ chính xác 4 con số tương đương 0,1 Micron.
Bên cạnh các dòng máy gia công CNC, Công ty MIDA cũng đầu tư đồng bộ dòng máy charmilles thương hiệu của Thụy Sĩ hàng đầu thế giới về độ tốc độ và độ chính xác gia công EDM. Các chủng loại máy ép nhựa với công suất trải dài từ 15 tấn đến 850 tấn, MIDA có đủ năng lực để đáp ứng hầu hết các yêu cầu từ khách hàng cho ngành sản xuất ép nhựa.
Đặc biệt, giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao do Bộ KH&CN cấp như giấy thông hành để DN phát triển tốt hơn, chứng minh năng lực sản xuất.
Tính đến hiện tại, sản phẩm của MIDA đã và đang được xuất khẩu đến các thị trường quốc tế: Nhật, Bắc Mỹ, Úc, Newzealand, châu Âu cho các tập đoàn đa quốc gia như Schneider Electric, Samsung Electronics, Datalogic, Amphenol, Furukawa, Eldor,…
Nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất mà thời gian qua, Cty MIDA có mức tăng trưởng ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho 800 lao động. Thời điểm này, Cty hoàn thành kế hoạch năm 2024 và hy vọng hợp đồng đơn hàng năm 2025-2026 sẽ đạt kỳ vọng mà Cty đặt ra.
Lợi thế cạnh tranh vượt trội, đón đầu xu thế
Với lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiếp tục đầu tư để đón đầu xu thế phát triển, nhất là đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam, Cty MIDA vừa mở rộng diện tích nhà xưởng lên 45.000m2. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều năm tới.
Ông Trần Quốc Vũ cho biết thêm, muốn xây dựng DN ứng dụng công nghệ cao không thể vội, phải có từng bước đi như sự chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn,... Khi dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, tiên tiến, làm chủ công nghệ, cơ hội tìm đơn hàng không khó và có nhiều dư địa để phát triển thêm đối tác mới.
Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, là cửa ngõ kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, giao thương với Vương quốc Campuchia, có tiềm năng lớn về vận tải đường biển với Cảng Quốc tế Long An.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là giao thông - vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối và là đầu mối xuất khẩu nông sản của toàn vùng.
Kho lạnh Long An (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức) sử dụng phần mềm quản lý kho đa ứng dụng cho phép truy xuất nhanh, chính xác
Thể hiện tầm nhìn và đón đầu chiến lược này, Cty TNHH một thành viên Đầu tư Long An và Cty Cổ phần Long An Logistics thuộc tập đoàn Transimex đầu tư và đưa vào vận hành dự án Kho lạnh (Kho lạnh Long An) tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức.
Kho lạnh Long An có tổng diện tích hơn 29.000m2, sức chứa 56.000 pallet bao gồm nhiều nhiệt độ khác nhau, đáp ứng mọi loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản nhiệt độ.
Để có thể cạnh tranh vượt trội với DN cùng loại, Kho lạnh Long An mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vận hành bằng hệ thống tự động hóa (ASRS). Hệ thống nhập, xuất hàng hóa có tốc độ truy xuất vượt trội lên đến 200 pallet/giờ. Các hệ thống giá kệ cố định, băng tải chuyển hàng tự động, xe nâng, máy nén, dàn lạnh hiện đại, chất lượng, được nhập khẩu từ châu Âu, thiết kế và cung cấp thiết bị theo tiêu chuẩn G7.
Kho lạnh Long An đạt các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng như HACCP, EU CODE và tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công nghệ hóa với phần mềm quản lý kho: WMS và WCS của System Logistics và Infor, Systor WMS với chức năng đa ứng dụng cho phép truy xuất nhanh, chính xác. Khách hàng của Kho lạnh Long An đa dạng ngành nghề.
Kho lạnh không những đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lưu trữ và bảo quản hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ của tỉnh mà còn đóng góp tích cực vào chuỗi cung ứng toàn Vùng ĐBSCL.
Công ty TNHH Dệt may Trung Quy (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) tiên phong trong sản xuất xanh với các sản phẩm có nguồn gốc từ sợi hữu cơ, sợi tái chế thân thiện với môi trường
Thông tin từ Bộ Công Thương, xanh hóa sản xuất và cao hơn là xanh hóa thương hiệu trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Để theo kịp “luật chơi” trong ngành dệt may, Cty TNHH Dệt may Trung Quy (Cty Trung Quy, Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) tiên phong áp dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động sản xuất.
Bên cạnh nhiều trang thiết bị hiện đại, Cty Trung Quy đầu tư công nghệ nhuộm gió (air-dyeing) của Đức vào quy trình sản xuất. Công nghệ này giúp tiết kiệm 60-70% lượng nước sử dụng và giảm lượng hóa chất cần thiết, từ đó giảm thiểu tác động lên nguồn nước, môi trường.
Cty Trung Quy cũng tiên phong trong sản xuất xanh với các sản phẩm có nguồn gốc từ sợi hữu cơ, sợi tái chế thân thiện với môi trường và áp dụng chuỗi kinh tế tuần hoàn vào sản xuất.
“Nhờ các bước đi chiến lược trong chuyển đổi xanh giúp Cty mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, nơi có yêu cầu cao về sản phẩm bền vững và bảo vệ môi trường. Đây cũng là yếu tố sống còn, lợi thế cạnh tranh của DN” - Tổng Giám đốc Cty Trung Quy - Trần Văn Quy cho biết.
Long An đang là địa phương thu hút đầu tư khá tốt, nhất là DN đến từ nước ngoài. Đây cũng là điều kiện tốt để DN trong nước tiếp cận học hỏi công nghệ mới, áp dụng đưa vào quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở KH&CN, còn nhiều DN sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ do hạn chế vốn đầu tư nên vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để phát triển bền vững, DN cần khắc phục khó khăn, cần lấy đổi mới công nghệ và chất lượng quản lý làm phương pháp then chốt khắc phục khó khăn, vươn lên trở thành chủ thể chính của hệ thống đổi mới sáng tạo, tích cực nghiên cứu và phát triển, tăng lợi ích kinh tế bằng cách dựa vào tiến bộ KH&CN hiện đại./.
|
Thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Long An chú trọng hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
|
Mai Hương